70 năm giải phóng Thủ đô

Thiêng liêng Kỳ đài Thủ đô nơi cuối trời Tổ Quốc

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đến Mũi Cà Mau, dấu ấn đầu tiên với du khách là hình ảnh Cột cờ Hà Nội sừng sững hiên ngang trong nắng gió, giữa mênh mông rừng đước bạt ngàn.Tạo nên cảm giác tự hào trong mỗi người Việt trước dáng hình Tổ Quốc trường tồn, non sông gấm vóc nối liền Bắc – Nam.

Cột cờ Hà Nội tai Mũi Cà Mau (Hoàng Nam).
Cột cờ Hà Nội tai Mũi Cà Mau (Hoàng Nam).
Mũi Cà Mau (Hoàng Nam)
Mũi Cà Mau (Hoàng Nam)

Dấu ấn chủ quyền giang san vạn dặm

 “Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…”

Đến Mũi Cà Mau, thấy Cột cờ Hà Nội, trong lòng mỗi người Việt hẳn ai cũng nhớ đến hai câu thơ trên trong bài "Nhớ Bắc" của thi tướng - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Huỳnh Văn Nghệ. Hai câu thơ ấy, là hành trang của bao lớp người lính xông lên trên chiến trường để giữ yên bờ cõi đất nước, chủ quyền quốc gia.

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau đêm mừng chiến thắng 30/4/2024 (Hoàng Nam)
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau đêm mừng chiến thắng 30/4/2024 (Hoàng Nam)

Lễ 2/9/ năm nay, một cựu chiến binh, người đồng đội cũ với tôi từ Hà Nội vào chơi, anh nói là phải đi Đất Mũi ngay để ngắm Cột cờ Hà Nội nơi đây. Từng chiến đấu ở chiến tranh Biên giới phía Bắc, sau công tác ở Hà Nội đến lúc nghỉ hưu, nên anh đâu lạ gì Cột cờ Hà Nội. Nhưng anh vẫn nhất quyết đi Đất Mũi để ngắm Cột cờ Hà Nội nơi đây cho bằng được, dù lúc đó Cà Mau đang mưa tầm tã nhiều ngày. “Hồi đánh nhau, giữa sự sống cái chết bọn tớ đã hẹn, đứa nào còn sống phải thay anh em hy sinh xuống tận Mũi Cà Mau để biết Tổ Quốc đẹp dường nào. Tớ đến đó không chỉ ngắm cột cờ, mà ngắm giang sơn gấm vóc thiêng liêng liền dải, được thấy Quốc kỳ ngạo nghễ tung bay trên kỳ đài văn hiến ngàn năm Thăng Long, ngay giữa nơi cuối trời Tổ Quốc” – anh Nguyễn Văn Hùng, nhà ở đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng Hà Nội xúc động nói.

Vóc dáng Thăng Long ngàn năm trên Đất Mũi

Ai cũng biết, Di tích đặc biệt Cột cờ Hà Nội là một trong những công trình kiến trúc làm nên dáng vóc biểu tượng của Thủ đô với nhiều thăng trầm. Được khởi công xây dựng từ năm 1805 và hoàn thành vào năm 1812 dưới triều Nguyễn. Cột cờ còn là chứng tích cho một thời kháng chiến chống Pháp oanh liệt, dấu ấn kiên cường, bất khuất của các thế hệ người con Hà Nội.

Quốc kỳ trên Cột cờ Hà Nội đã tung bay liên tục từ ngày tiếp quản Thủ Đô 10/10/1954. (Ảnh tư liệu)
Quốc kỳ trên Cột cờ Hà Nội đã tung bay liên tục từ ngày tiếp quản Thủ Đô 10/10/1954. (Ảnh tư liệu)

Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Trần Hiếu Hùng Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, ngày 30/6/2016, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 1520/ QĐ-UBND phê duyệt Dự án Công trình Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau với tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng. Với mục đích xây dựng một quần thể kiến trúc mang tính biểu trưng tương xứng với ý nghĩa quan trọng về lịch sử, địa lý, văn hóa của Mũi Cà Mau.

Quyết định số 1520/ QĐ-UBND ngày 30/6/2016 của UBND TP Hà Nội phê duyệt Dự án Công trình Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau (Hoàng Nam).
Quyết định số 1520/ QĐ-UBND ngày 30/6/2016 của UBND TP Hà Nội phê duyệt Dự án Công trình Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau (Hoàng Nam).

Công trình với tỷ lệ nguyên bản Cột cờ Hà Nội, mang nặng tấm lòng ruột thịt của người dân Thủ Đô với Đất Mũi Cà Mau, như khẳng định lời thề son sắc, xóa đi nỗi niềm của người Cà Mau “ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.” Sau 3 năm thi công, dự án hoàn thành. 

“Tổ quốc tôi như một con tàu

 Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau

Cột cờ Hà Nội là điểm dừng chân cuối cùng của người Việt trong hành trình mở cõi. Đến với Cà Mau là đến với vùng đất ẩn chứa nhiều giai thoại, mẩu chuyện hào hùng về những con người đất Mũi, đã làm nên chiến công oanh liệt với những trang sử hào hùng và lưu dấu ấn di tích như Bến Vàm Lũng, điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên biển; Di tích Hòn đá bạc- Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12; Di tích đảo Hòn Khoai với cuộc khởi nghĩa của thầy giáo Phan Ngọc Hiển... Mỗi di tích đã chạm khắc tinh thần yêu nước của các thế hệ cha ông trong lịch sử đấu tranh gian khổ chống giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên.”

Có thể thấy, Cột cờ Hà Nội nơi đây như dấu ấn Thăng Long đã hòa quyền vào Cà Mau, địa danh chất chứa trong lòng cả một di sản văn hóa sông nước, đậm chất bản địa, hào sảng nhưng ngoan cường trong chiến tranh và xây dựng đất nước tươi đẹp hôm nay.

Một cựu chiến binh đang bồi hồi xúc động trong ngày khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau (Hoàng Nam)
Một cựu chiến binh đang bồi hồi xúc động trong ngày khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau (Hoàng Nam)

Lúc ấy, ông Huỳnh Văn Lanh, một cựu chiến binh nguyên từng tham gia bảo vệ Biên giới phía Bắc năm 1979 đã bật khóc khi đứng trên Cột Cờ. Mắt nhìn về phía biển, ông nói: “Dời tớ, được đứng đây có chết cũng sướng. Thương mấy thằng cùng tiểu đội đã nằm xuống ở Vị Xuyên, không được ngắm Tổ Quốc hùng vĩ thế này”.

Cột mốc lịch sử nơi Đất Mũi

Nếu như Cực Bắc là cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây là xã Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), cực Đông là Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) thì cực Nam chính là cột mốc tọa độ Quốc gia GPS0001 (Đất Mũi, Cà Mau). Tại cực Nam, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau như một cột mốc lịch sử, đánh dấu mảnh đất thiêng liêng mà người dân Việt nào cũng muốn ghé qua dù chỉ một lần.

Nằm trong khuôn viên Khu Du lịch Quốc Gia Mũi Cà Mau, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau cùng với các công trình mốc tọa độ Quốc Gia GPS0001, Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ, công trình điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh trở thành một quần thể lịch sử, tâm linh của người Việt nơi cuối trời Nam. Nơi đây luôn được Cà Mau chọn làm nơi diễn ra những sự kiện kinh tế chính trị lớn của tỉnh. Hoạt động về nguồn, kết nạp đoàn viên mới, các hội thi, báo công…của tổ chức đoàn các cấp đều diễn ra liên tục tại đây.

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau là nơi luôn diễn ra các sự kiện kinh tế chính trị quan trọng của tỉnh Cà Mau (Hoàng Nam).
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau là nơi luôn diễn ra các sự kiện kinh tế chính trị quan trọng của tỉnh Cà Mau (Hoàng Nam).

“Cột cờ Đất Mũi là công trình thể hiện tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đối với Cà Mau - địa đầu cực Nam của Tổ quốc. Là biểu tượng của lòng yêu nước, khát vọng độc lập tự do, khẳng định chủ quyền thiêng liêng, sự trường tồn và phát triển của đất nước” – ông Trần Hiếu Hùng khẳng định.