Bão lũ gây thiệt hại nghiêm trọng
Vụ Mùa năm 2024, Hà Nội tổ chức gieo trồng hơn 93.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, hoa - cây cảnh các loại. Đợt bão lũ vừa qua gây mưa to, gió lớn, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến 57.230ha (chiếm 52% diện tích gieo trồng cây hàng năm, 44% diện tích cây ăn quả).
Số liệu thống kê cho thấy, ít nhất 36.086ha lúa vụ Mùa đã bị ảnh hưởng, trong đó, bị ngập sâu 15.803ha; bị đổ 20.283ha. Hiện nay, đã thực hiện buộc dựng là 18.939ha, 10.689ha đã và đang tiến hành tiêu thoát nước. Ước thiệt hại về sản lượng là trên 99.097 tấn (tương đương 794,35 tỷ đồng).
Đối với cây rau, màu, hoa, khoảng 12.251ha bị ảnh hưởng, ước thiệt hại khoảng 811,1 tỷ đồng. Trong đó, riêng cây rau bị hư hỏng gần 5.000ha; thiệt hại về sản lượng khoảng 42.783 tấn, tương đương 380,3 tỷ đồng.
Cùng với hai nhóm cây trồng vụ Mùa năm 2024 chính là lúa và cây rau, hàng ngàn héc-ta cây ngô, cây hoa hàng năm, cây cảnh và các cây trồng khác (cây gia vị, cây dược liệu, khoai lang, đậu tương...) cũng bị thiệt hại nghiêm trọng.
Dù đã chủ động các phương án ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ, tuy nhiên thống kê cho đến 30/9, lĩnh vực trồng trọt đã bị thiệt hại hơn 1.800 tỷ đồng. Bà con nông dân nhiều địa phương hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Đẩy mạnh phục hồi sản xuất
Trước thiệt hại nặng nề đối với lĩnh vực trồng trọt, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết thời gian qua, chính quyền địa phương đang chỉ đạo Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tập trung hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất tại những vùng chuyên canh rau.
Cán bộ cơ sở đang hướng dẫn bà con khâu làm đất để gieo trồng vụ mới. Trong đó, chú trọng hướng dẫn bà con sử dụng các giống rau ngắn ngày để sớm cho thu hoạch, bảo đảm cung ứng cho nhu cầu thị trường Hà Nội.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng, đơn vị đã tham mưu Sở NN&PTNT Hà Nội ban hành 6 văn bản chỉ đạo công tác khôi phục sản xuất trồng trọt sau bão lũ. Hiện, các địa phương đang bám vào, cùng với bà con nông dân, tích cực khắc phục thiệt hại, sớm ổn định lại sản xuất tại các vùng rau.
Đối với cây ăn quả, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con thường xuyên kiểm tra, tiến hành khơi thoát nước, tránh đọng nước trong vườn và xung quanh gốc cây, nước rút đến đâu tiến hành phá váng đến đó; chăm sóc, cắt tỉa cành bị hỏng, gẫy, bón phân, tái tạo bộ rễ, đốn bỏ và trồng dặm cây bị ngã, đổ.
Đối với diện tích rau màu bị chết hoàn toàn, không có khả năng phục hồi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến nghị bà con tập trung vệ sinh đồng ruộng và trồng lứa mới. Nếu có khả năng phát triển tiếp thì tiến hành phun phân bón lá, chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh chóng phục hồi.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, cùng với tinh thần chủ động của chính quyền các địa phương, bà con nông dân cũng rất tích cực vực dậy sau thiên tai. Đến nay, tại nhiều vùng chuyên canh rau màu, cây trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Cùng với tập trung khắc phục ảnh hưởng mưa lũ do bão số 3, bắt tay vào sản xuất vụ mới, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đang chỉ đạo Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường duy trì hoạt động kết nối, đưa nông sản, thực phẩm nói chung, trong đó có các sản phẩm trồng trọt, về tiêu thụ tại Hà Nội, nhằm bảo đảm nguồn cung cho người dân Thủ đô.