Thiệt hại nghìn tỷ tại dự án Hoà Lân: Phải xử lý nghiêm những cá nhân gây ra sai phạm

Theo ngaynay.vn
Chia sẻ Zalo

Theo nhận định, việc TAND Tối cao ra Quyết định kháng nghị đề nghị Hội đồng thẩm phán huỷ Bản án Giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh về vụ án Hoà Lân đặt ra nhiều vấn đề cần phải xử lý.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải xem xét xử lý những cá nhân liên quan đến sai phạm tại dự án Hoà Lân.

Một số vấn đề sai phạm cần phải xử lý

Ngày 14/2/2022, TAND tối cao đã có Quyết định kháng nghị đề nghị Hội đồng thẩm phán hủy Bản án giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh về vụ án Hòa Lân. Trước đó, theo Kháng nghị của VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm công nhận kết quả trúng đấu giá của Công ty Kim Oanh để xét xử lại. Nếu kháng nghị của TAND tối cao được chấp thuận, Công ty Kim Oanh lại được công nhận kết quả trúng đấu giá với dự án có vị trí đắc địa, có giá trị hàng ngàn tỷ đồng này.

Nội dung vụ việc cho thấy, từ năm 2003 đến năm 2007, Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn cho Công ty Thiên Phú vay hơn 1.400 tỷ đồng (gồm cả vàng quy đổi), năm 2008, đã phát sinh nợ xấu, Công ty Thiên Phú không có khả năng trả nợ. Tài sản bảo đảm cho khoản vay là quyền sử dụng đất tại ba dự án: Cầu Đò, Mỹ Phước 4 và Hòa Lân.

Tháng 12/2013, Thanh tra Chính Phủ đã có kết luận việc Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn cho Công ty Thiên Phú vay là điển hình của những sai phạm có tính hệ thống, gây thiệt hại lớn. Sai phạm xảy ra cả trước, trong và sau khi cho vay: Công ty Thiên Phú có khả năng tài chính rất xấu, kinh doanh thua lỗ, lỗ năm sau cao hơn năm trước, âm vốn chủ sở hữu; không có vốn chủ sở hữu tham gia đầu tư; việc đầu tư cả 3 dự án hoàn toàn bằng vốn vay, không những thế, vốn vay còn chi dùng cho cả các hoạt động khác; cho vay thực hiện dự án bất động sản từ trước khi có quyết định giao đất; Công ty Thiên Phú dùng chính tiền vay trả tiền lãi vay cho Ngân hàng; nhận tài sản thế chấp khi chưa có đủ giấy tờ pháp lý, chưa hoàn thành đền bù và san lấp; khi chưa xử lý tài sản, Ngân hàng đã xử lý rủi ro với tổng số tiền 507 tỷ đồng và hơn 20.600 lượng vàng.

Thanh tra Chính Phủ nhận định “Việc làm trái nói trên cho thấy có dấu hiệu của sự thông đồng giữa cán bộ NH Nông nghiệp Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú để rút vốn vay ngân hàng”, đồng thời kiến nghị Cơ quan điều tra xử lý hình sự vụ việc này.

Tháng 10/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có kết luận về kiến nghị của Thanh tra Chính Phủ với các nội dung: Hành vi của các cá nhân liên quan đến khoản vay của Công ty Thiên Phú tại Ngân hàng nông Nghiệp Chợ Lớn là có vi phạm, các vi phạm theo kết luận của Thanh tra Chính Phủ là có cơ sở. Tuy nhiên do chưa xử lý tài sản đảm bảo, chưa có hậu quả thiệt hại nên Cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự.

Thiệt hại nghìn tỷ tại dự án Hoà Lân: Phải xử lý nghiêm những cá nhân gây ra sai phạm - Ảnh 1

Cần xử lý nghiêm minh việc gây ra thất thoát lớn cho tài sản Nhà nước

Sau đó, Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn đã bán đấu giá đất ở cả 3 dự án Cầu Đò, Mỹ Phước 4, Hòa Lân với tổng diện tích hơn 130 ha đất tại Bình Dương. Điều đáng chú ý là đơn vị trúng đấu giá đều là là Công ty Kim Oanh và Công ty Thuận Lợi có liên quan đến nhau, do vợ chồng bà Đặng Thị Kim Oanh điều hành. Theo nhận định của VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh “Cả hai đơn vị này được Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi trong việc cho phép chậm thanh toán, trường hợp này có dấu hiệu của “lợi ích nhóm” lợi dụng kẽ hở của luật đấu giá nhằm thâu tóm các dự án với giá thấp”.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 12/11/2020, chính Ngân hàng trình bày: “đến nay dù đã xử lý hết tài sản đảm bảo nhưng Công ty Thiên Phú vẫn còn thực nợ tại Agribank Chợ Lớn số tiền hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó riêng khoản nợ liên quan đến Dự án KDC Hòa Lân là hơn 1.700 tỷ đồng”. Tuy nhiên, sau đó, Theo Bản án phúc thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh, sau khi cấn trừ số tiền bán đấu giá tài sản là 1.353 tỷ đồng và 97 tỷ đồng lãi chậm trả, Công ty Thiên Phú còn phải thanh toán lãi vay cho Agribank hơn 1.237 tỷ đồng (phần quyết định). Điều đáng nói, số tiền Công ty Thiên Phú còn phải trả sau khi xử lý hết tài sản theo quyết định của Tòa (1.237 tỷ đồng) thấp hơn hơn 700 tỷ đồng so với con số của Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn tính toán (hơn 2.000 tỷ đồng) là do chính Ngân hàng chấp nhận chỉ tính lãi vay với Công ty Thiên Phú đến ngày 09/7/2017, khi ngân hàng chưa thu đủ số tiền gốc. Việc làm này của Ngân hàng không có cơ sở pháp lý, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Công ty Thiên Phú không còn khả năng thanh toán, khoản vay không còn tài sản bảo đảm. Nếu theo quyết định của Tòa, Nhà nước đã bị thiệt hại hơn 1.237 tỷ đồng, chỉ tính đến ngày 09/7/2017. Nếu theo tính toán của chính Ngân hàng tại phiên tòa sơ thẩm, tính đến 12/11/2020, Nhà nước đã bị thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là số tiền thất thoát đặc biệt lớn, lớn hơn nhiều so với một số vụ việc được coi là “Đại án”.

Như vậy, các dấu hiệu cấu thành tội phạm đã rõ: sai phạm nghiêm trọng, có hệ thống, có dấu hiệu móc nối, có hậu quả đặc biệt lớn xảy ra, chỉ còn chờ động thái từ các cơ quan tố tụng kịp thời xử lý, không bỏ lọt tội phạm, thu hồi tiền cho Nhà nước.

Theo nhận định của một số chuyên gia về pháp luật, nội dung kháng nghị của TAND Tối cao đề nghị giữ nguyên bản án phúc thầm, tức công nhận kết quả đấu giá của Công ty Kim Oanh còn nhiều vấn đề cần được Hội đồng thẩm phán xem xét kỹ lưỡng, vì quá trình đấu giá có nhiều vi phạm đã được kết luận, trong đó có chính những vi phạm của Công ty Kim Oanh. Vấn đề lớn nhất là Kháng nghị này chưa đặt ra vấn đề bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, thu hồi tiền thất thoát. Dư luận cũng đặt câu hỏi tại sao Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn không quyết liệt bảo vệ lợi ích của Nhà nước, ai sẽ chịu trách nhiệm về các sai phạm gây thấy thoát hàng ngàn tỷ đồng này?