Thiết kế lại cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư công và tư nhân vào hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) tại Việt Nam còn thấp so với mức trung bình toàn cầu. Để hoạt động KHCN phát triển bền vững, cần đa dạng nguồn lực đầu tư cả ngân sách Nhà nước và nguồn lực tư nhân, các cơ quan, tổ chức xã hội.

Nguồn lực còn hạn chế

KHCN đã có bước phát triển mạnh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình. Đầu tư cho KHCN đã được đánh giá đúng mức. Tuy nhiên, dù tổng mức đầu tư xã hội cho KHCN liên tục tăng từ 0,19%GDP năm 2011 lên 0,53% năm 2020, nhưng chưa đạt mục tiêu 2% GDP vào năm 2020. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho hoạt động KHCN chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, các nguồn lực ngoài ngân sách chưa được khai thác hiệu quả.

Trưởng đại diện Thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi đánh giá, đầu tư công và tư nhân vào KHCN tại Việt Nam còn thấp so với mức trung bình toàn cầu, chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP và tỷ lệ chi cho KHCN của Việt Nam thấp hơn gần 5 lần so với mức trung bình là 2,23%. Để tăng sự đóng góp của KHCN vào tăng trưởng bền vững và bao trùm, vốn đầu tư tư nhân và đầu tư tài chính đóng vai trò rất quan trọng.

Ứng dụng KHCN trong phát triển ngành công nghiệp chế tạo
Ứng dụng KHCN trong phát triển ngành công nghiệp chế tạo

Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho rằng, một trong những vướng mắc cần tháo gỡ của ngành KHCN Việt Nam là cơ chế tài chính cần được thiết kế lại theo thông lệ thế giới. Đầu tư cho KHCN khác với đầu tư cho các dự án công trình xây dựng hay các dự án khác. “Vì cái chúng ta đầu tư là tri thức, con người. Mỹ đầu tư hàng chục tỷ USD rồi thất bại là chuyện bình thường. Nhưng trong quá trình đó họ nhận được những bài học”- ông Dũng nêu quan điểm.

Chỉ ra những bất cập liên quan đến cơ chế tài chính trong lĩnh vực nghiên cứu KHCN, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, quy định nộp lại tiền thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho Nhà nước là rào cản thúc đẩy sáng tạo. Đồng thời, quy định này cũng mâu thuẫn với quy định chia lợi nhuận cho tác giả tối thiểu 30%, phần còn lại chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì, môi giới, được nêu trong Luật KHCN.

Hiện giá trị thương mại hóa nghiên cứu khoa học ở nước ta phần lớn không nhiều, nếu hoàn trả cho Nhà nước thì không khuyến khích, tái đầu tư cho đơn vị chủ trì nghiên cứu và nhà khoa học. Nếu bất cập này không được tháo gỡ, sẽ dẫn đến nguy cơ các nghiên cứu có sử dụng ngân sách chỉ được nghiên cứu “nửa vời”, không đi đến cùng để tạo ra sản phẩm.

Việc xác định giá trị tài sản quy định tại Thông tư 10 gặp một số vướng mắc như: Nếu xác định giá trị tài sản dựa trên kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ khoa học công nghệ, thì chỉ tính riêng về kinh phí đầu tư cho chính nhiệm vụ đó, chưa tính lợi nhuận, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng thì giá trị tài sản đã không đúng giá trị thực của loại tài sản đó.

Hơn nữa, chi phí cho KHCN là chi phí vô hình, không định rõ được đầu tư bao nhiêu là đủ để có thể dẫn đến kết quả cuối cùng, hoạt động khoa học có tính rủi ro, không giống loại hình lao động sản xuất mang tính lặp đi lặp lại. Do vậy, việc xác định giá trị tài sản theo phương thức này tuy đơn giản nhưng không phù hợp. Bên cạnh đó, khó xác định giá trị tài sản theo cách tiếp cận thị trường, không phải kết quả của nhiệm vụ KHCN nào cũng có thể tiếp cận thị trường ngay...

Đa dạng nguồn lực đầu tư

Để bổ sung thêm nguồn lực cho hoạt động KHCN, cần tiếp tục đa dạng hóa các nguồn tài chính đầu tư cho KHCN và tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Tiếp tục đảm bảo bố trí nguồn lực từ Ngân sách Nhà nước (khoảng 2% GDP) coi đây là nền tảng xây dựng và phát triển KHCN.

Ở góc độ DN, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, mặc dù hiện nay Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích DN đầu tư vào KHCN, nhận thức của DN về đổi mới KHCN đã tốt hơn so với trước đây, nhưng việc đầu tư, phát triển vẫn chưa thực sự mạnh mẽ. Nguyên nhân đó là do DN chưa thể dễ dàng tiếp cận một số ưu đãi mà họ quan tâm nhất.

Do đó, để thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội, đặc biệt là DN đầu tư cho KHCN cần có sự rà soát, đánh giá lại, từ đó có sự điều chỉnh các chính sách hiện hành. Trong đó, cần khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội, nhất là từ DN cho hoạt động KHCN thông qua công cụ chính sách thuế. Cần rà soát, đánh giá chính sách thuế và chính sách quản lý thuế đối với hoạt động KHCN. Bên cạnh đó, tạo môi trường thuận lợi cho các DN phát triển hoạt động KHCN.

Đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam liên quan đến đầu tư cho KHCN, đại diện Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, trước hết cần phát triển khu vực DN bằng cách thúc đẩy cải cách DN Nhà nước nhằm cải thiện tổng thể môi trường đầu tư kinh doanh về tính cạnh tranh, khả năng tiếp cận tài chính và các yêu cầu thủ tục hành chính. Ngoài ra, Việt Nam có thể thực hiện một chương trình thí điểm hợp tác công tư, được xây dựng phù hợp cho mục đích nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Từ đó tập trung và khai thác nguồn lực khác nhau, đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu và DN, bao gồm DN nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính sửa Nghị định 70 theo hướng công khai minh bạch, tôn trọng đặc thù nghiên cứu khoa học là chấp nhận rủi ro. Đồng thời, Bộ cũng đang kiến nghị xây dựng một Nghị định mới về cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị nghiên cứu KHCN. Hiện Nghị định 60 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập không bao quát được các nhiệm vụ của các đơn vị KHCN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần