Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiết thực tri ân thầy cô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, cả nước ta đang trong không khí tưng bừng chào mừng kỷ niệm 32 năm...

Kinhtedothi - Những ngày này, cả nước ta đang trong không khí tưng bừng chào mừng kỷ niệm 32 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2014). Những tình cảm thiêng liêng giữa thầy và trò được thể hiện theo nhiều cách khác nhau nhưng dường như tình cảm của thầy cô giáo và các em học sinh trường Tiểu học Thúy Lĩnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội lại có một điều gì đó đặc biệt hơn.

Chúng tôi đến trường Tiểu học Thúy Lĩnh vào một ngày giữa tháng 11. Cái lạnh đầu đông tràn về Thủ đô nhưng không làm cho không khí thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của thầy và trò nơi đây giảm “nhiệt”. Góc sân trường, một tốp học sinh với những bộ cánh biểu diễn đủ màu sắc đang trau chuốt từ giọng hát đến từng động tác múa để chuẩn bị cho hội diễn văn nghệ chào mừng ngày 20/11. Phía trong là nơi trưng bày các tác phẩm trong cuộc thi làm thiếp chúc mừng thầy cô vừa được nhà trường tổ chức thành công.

 
Một tiết mục văn nghệ của học sinh trường Tiểu học Thúy Lĩnh.
Một tiết mục văn nghệ của học sinh trường Tiểu học Thúy Lĩnh.
Cô giáo Vũ Thanh Tú - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dịp này, trường có nhiều hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 nhằm giáo dục cho các em học sinh hiểu và thấm nhuần tinh thần “tôn sư trọng đạo”, giá trị tinh thần đáng qu‎ý, truyền thống hiếu học của Nhân dân ta. Nói rồi, cô Tú đưa tôi xem tấm danh thiếp của em Phạm Quỳnh Anh, học sinh lớp 4A1 vẽ những bó hoa tươi thắm, những tà áo dài thướt tha. Em viết: “Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, chúng em xin chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe và dạy cho chúng em viết chữ đẹp hơn. Chúng em cảm ơn các thầy cô đã làm sân trường cho chúng em chơi, làm sân khấu cho chúng em biểu diễn văn nghệ.”. Còn em Nguyễn Thị Mai Trang, lớp 3A1 thì viết: “Cô Giang ơi, em xin chúc mừng cô bằng những bông hoa tươi thắm nhất nhân ngày 20/11”… Những dòng chữ mộc mạc nhưng chân thành của các em khiến tôi thực sự xúc động.

Cô Hạnh - Tổng phụ trách Đội cho biết, cô giáo Nguyễn Thị Kim Giang- Hiệu trưởng nhà trường rất gần gũi và thường xuyên quan tâm đến các hoạt động nên hầu như các em học sinh đều dành cho cô những tình cảm đặc biệt. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đối với thầy cô giáo và các bậc phụ huynh, ai cũng có những tình cảm qu‎ý trọng đối với cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Giang. Có lẽ cũng bởi mới chỉ năm học đầu tiên khi cô được điều chuyển về làm Hiệu trưởng, trường Tiểu học Thúy Lĩnh đã được cải thiện rõ rệt về điều kiện cơ sở vật chất, giúp các em yên tâm học tập tốt hơn. Chính vì vậy, năm học 2013 - 2014, trường đã được đạt danh hiệu Tập thể lao động Tiên tiến.
Cô và trò trường tiểu học Thúy Lĩnh
Cô và trò trường tiểu học Thúy Lĩnh
Nói về ngày đầu mới nhận nhiệm vụ công tác tại trường, cô Nguyễn Thị Kim Giang- Hiệu trưởng nhà trường tâm sự, trước đây, trường Tiểu học Thúy Lĩnh là một phân hiệu nhỏ của trường Tiểu học Lĩnh Nam. Do việc gia tăng học sinh trên địa bàn,  quận Hoàng Mai quyết định tách phân hiệu và thành lập trường Tiểu học Thúy Lĩnh từ đầu năm 2013. Lúc đó, điều kiện cơ sở vật chất của trường còn nhiều hạn chế. Phòng học không đủ, giáo viên chưa có nơi làm việc, sân trường chật hẹp, thiếu khu vui chơi, rèn luyện thể chất cho các em. Mặt khác, cái khó ở chỗ là vị trí của trường lại nằm ngoài đê sông Hồng, nên việc triển khai xây dựng trường là điều trăn trở của lãnh đạo địa phương.

Với suy nghĩ, một ngày các em đến trường cũng cần phải được chăm lo chu đáo,  trong khi chờ đợi các giải pháp để xây dựng trường khang trang hơn, từ đầu năm 2013, nhất là trong dịp các em nghỉ hè, nhà trường đã tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo địa phương, phối hợp cùng các bậc phụ huynh, doanh nghiệp trên địa bàn… cùng vận động, quyên góp công sức cải tạo thêm phòng học và phòng rèn luyện thể chất, mở rộng sân trường để các em vui chơi, bố trí phòng làm việc cho thầy cô giáo. Được biết, trường Tiểu học Thúy Lĩnh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Quận và TP, nhất là trong công tác phòng ngừa ngập úng. Theo đó, về thiết kế được đề xuất các phòng học sẽ đưa lên tầng 2, tầng một chỉ làm phòng rèn luyện thể chất để đảm bảo an toàn cho các em… “Có thể nói, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc vì tương lai con em chúng ta. Do vậy, chỉ một thời gian ngắn, nhiều công trình đã được cải tạo, nâng cấp và làm thêm. Hiện nay, mặc dù cơ sở sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng cũng đảm bảo những điều kiện tối thiểu cho thầy và trò học tập, giảng dạy…” – cô Giang chia sẻ.

Chia tay trường tiểu học Thúy Lĩnh, tôi hiểu, sự trăn trở và vào cuộc đúng lúc của lãnh đạo địa phương, của các bậc phụ huynh, doanh nghiệp trên địa bàn đối với nhà trường chính là sự tri ân với những người đang thực hiện sứ mệnh “trồng người” của trường và là sự hỗ trợ, đầu tư cho tương lai của các em học sinh.