Thiếu chế tài, đồ uống có cồn bất hợp pháp vẫn tràn lan

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đồ uống có cồn phi chính thức và bất hợp pháp luôn là vấn đề nhức nhối. Nhưng các chính sách chưa toàn diện giải quyết vấn đề nên doanh nghiệp mong các công cụ quản lý Nhà nước có tiêu chí phù hợp, hiệu quả, công bằng.

Đó là thông tin được nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra tại tọa đàm “Đồ uống có cồn bất hợp pháp: Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA), Tiểu ban Rượu vang & Rượu mạnh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) tổ chức, chiều 9/1.

Khoảng 30% được quản lý

PGS. TS. Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA cho biết, đồ uống có cồn phi chính thức và bất hợp pháp luôn là vấn đề nhức nhối, ở Việt Nam lượng rượu phi chính thức nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước cao, khu vực ASEAN cũng được dự báo là khu vực có mức tiêu thụ rượu bia không kiểm soát tăng cao vào năm 2025.

Thiếu chế tài, đồ uống có cồn bất hợp pháp vẫn tràn lan - Ảnh 1

“Với xu hướng tiêu thụ vô cùng lớn như vậy, các sản phẩm phi chính thức sẽ gây ra nhiều tổn thất đáng kể về kinh tế - xã hội đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp, và cả ngân sách Nhà nước” - ông Nguyễn Văn Việt cho hay.

Trong khi đó,  theo đánh giá, các chính sách chưa hướng tới giải quyết vấn đề gốc rễ này, chưa có giải pháp toàn diện. Doanh nghiệp mong muốn các công cụ quản lý Nhà nước, đặc biệt chính sách quản lý thị trường hay chính sách thuế đạt được các tiêu chí phù hợp, hiệu quả, công bằng, tạo điều kiện để doanh nghiệp chân chính phát triển bền vững.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên

Theo “Báo cáo về kinh doanh đồ uống có cồn bất hợp pháp, Thông lệ quốc tế tốt nhất và những bài học kinh nghiệm” mới đây của Liên minh các doanh nghiệp rượu quốc tế tại châu Á - Thái Bình Dương (APISWA), 63% lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa được quản lý, có nghĩa là chỉ có 30% thị trường đang nộp thuế.

"Với tư cách là những hiệp hội và liên minh thương mại hoạt động vì lợi ích của các công ty trong lĩnh vực rượu vang, rượu mạnh tại thị trường quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi đặc biệt đề cao trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng và đồng hành với các cơ quan hữu quan trong việc tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh đồ uống có cồn bất hợp pháp” - đại diện APISWA cho hay.

Do tâm lý e ngại

Theo Phó Trưởng phòng Công nghiệp Thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Vũ Đức Nam, quản lý đồ uống có cồn phi chính thức liên quan đến nhiều cơ quan quản lý từ Hải quan, Quản lý thị trường, Lực lượng 389, với loại này có hàng nhập lậu, hàng giả và một số rượu sản xuất thủ công không cấp phép và đăng ký.

Về rượu sản xuất thủ công không đăng ký và được cấp phép, thứ nhất, Việt Nam là đất nước rộng lớn và nhiều làng nghề, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công tản mát và mục đích sản xuất phục vụ chăn nuôi, dù thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước đã đơn giản hoá cấp phép cho hộ sản xuất rượu thủ côn, song tỷ lệ cấp phép còn thấp và tâm lý e ngại vẫn còn.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên

Thứ hai, các lực lượng công chức phụ trách theo dõi, quản lý rượu ở địa phương còn mỏng, công chức ở huyện xã phải đảm nhiệm nhiều trách nhiệm khác nhau nên việc quan tâm đối với lĩnh vực rượu còn khó khăn.

Thứ ba, dữ liệu thống kê cũng như chính thức với sản lượng sản xuất rượu thủ công còn hạn chế. Thực tế quy định đã có, hộ gia đình cũng như cơ sở sản xuất rượu phải báo cáo cơ quan thẩm quyền cấp phép nhưng việc này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ nên cơ sở dữ liệu với ngành rượu và rượu thủ công chưa đầy đủ.

Thứ tư, hiện cùng với phát triển KHCN nên cách thức sản xuất rượu thủ công có thay đổi chuyển biến khác so với thời xưa, đa số sử dụng một số thiết bị hiện đại hơn, dụng cụ khác không giống truyền thống. Tuy nhiên, chính hình thức sản xuất này gây băn khoăn cho những người phụ trách, đây có phải là rượu thủ công không, hay mang hình thức giống như rượu công nghiệp.

Hoàn thiện khung thể chế

Tại buổi Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê cho biết, trong thời gian qua, các hoạt động sản xuất, đăng ký, kinh doanh rượu trên cả nước đã được tổ chức ổn định và công tác kiểm tra, hậu kiểu, kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục đã góp phần chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Tuy vậy, theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, tình trạng rượu nhập lậu, rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, do đó gây thất thu thuế cho Nhà nước, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chân chính và đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Lê, việc sản xuất, buôn bán đồ uống có cồn bất hợp pháp tồn tại do lợi nhuận cao mang lại. Cùng với đó, thói quen mua hàng khá dễ tính của người tiêu dùng như mua hàng không lấy hóa đơn, chứng từ, không kiểm tra tem, nhãn,... đối với đồ uống có cồn.

Đặc biệt, vấn đề kiểm soát, công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng rượu, bia thủ công còn rất khó khăn do việc sản xuất rượu, bia thủ công đơn giản, nhất là mặt rượu thủ công được thực hiện chủ yếu tại các hộ gia đình (hầu hết ở khu vực nông thôn). Việc mua bán đối với mặt hàng này cũng được thực hiện một cách dễ dàng. Trong khi, các vụ ngộ độc rượu lại chủ yếu đến từ việc sử dụng, lạm dụng mặt hàng này trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Để giải quyết hiệu quả những tồn tại, hạn chế trên, đại diện Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp, bao gồm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đặc biệt là các quy định quản lý đối với rượu sản xuất thủ công; tăng cường nguồn lực và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chú trọng vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật…

 

"Công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của một số doanh nghiệp sản xuất, chủ sở hữu quyền; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. " - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần