Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 

Thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực nông nghiệp

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, nông nghiệp là lợi thế quốc gia nhưng thiếu nhân lực chất lượng cao đã tạo nên một sự khập khiễng, khiến Việt Nam có thể đánh mất nhiều lợi thế.

Ngày 4/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam", sáng nay 4/8, tại TP Hồ Chí Minh
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam", sáng nay 4/8, tại TP Hồ Chí Minh

Thiếu hụt nhân lực ngành nông nghiệp

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện có 12 cơ sở đào tạo đại học và sau đại học, 28 trường cao đẳng và 2 trường cán bộ quản lý. Đến nay, các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT đã hình thành mạng lưới các trường, các đơn vị đào tạo phân bố rộng trên cả nước.

Tại khu vực phía Nam, có nhiều trường đào tạo về nông, lâm, thủy sản như Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Trường đại học An Giang, Phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp, Phân hiệu Trường đại học Thủy lợi…

Giai đoạn 2016-2022, các trường cao đẳng thuộc Bộ NN&PTNT đã đào tạo lao động cho các tỉnh, thành phía Nam với các trình độ: cao đẳng gần 15.000 người; trung cấp hơn 41.000 người; sơ cấp và dạy nghề thường xuyên gần 53.000 người.

Ngoài ra, thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các địa phương trong khu vực phía Nam đã đào tạo hơn 3.000 người có trình độ cao đẳng, 11.700 người trình độ trung cấp, 138.150 người có trình độ sơ cấp.

Tuy nhiên, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước những khó khăn, thách thức.

Lao động nông lâm thủy sản có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2011 - 2020, lao động nông lâm thủy sản của Vùng Đông Nam Bộ, giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 còn 778 nghìn năm 2020, mỗi năm giảm trung bình 46,7 nghìn người/năm (tốc độ giảm bình quân 3.75% mỗi năm). Vùng ĐBSCL, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã giảm từ 10,2 triệu người xuống 9,36 triệu người (mức giảm 7,2% tương ứng với 729.4 nghìn người). Nguyên nhân cho sự sụt giảm này là do lao động đã di cư ra khỏi vùng để tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, đô thị của các vùng khác.

Chất lượng của lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung còn thấp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên trong ngành nông, lâm thủy sản chiếm tỷ lệ thấp, cụ thể là chỉ là 7,4% đối với vùng Đông Nam Bộ và 2.21% đối với vùng ĐBSCL. Phần lớn lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong vùng vẫn còn là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao.

Lao động còn thiếu hụt kỹ năng và năng lực hành nghề, tỷ lệ lao động chưa được công nhận có kỹ năng nghề quốc gia còn chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo, do chưa đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng và thị trường lao động.

Tình trạng thiếu hụt nhân lực trình độ cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu hiện đại hoá ngành nông nghiệp và đây là “điểm nghẽn” phải giải quyết sớm
Tình trạng thiếu hụt nhân lực trình độ cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu hiện đại hoá ngành nông nghiệp và đây là “điểm nghẽn” phải giải quyết sớm

Khởi nghiệp nông nghiệp không nên là "sân chơi"

Đa số các đại biểu có mặt tại hội nghị đều cho rằng, tương phản với sự giảm sút về số lượng người học là nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn rất lớn. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết đang trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ đại học.

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp cũng phải theo chuỗi giá trị. Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp không chỉ để làm thuê cho doanh nghiệp mà còn phải tạo ra những người làm chủ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, giáo dục, đào tạo phải gắn liền nhu cầu cuộc sống, chính là cuộc sống chứ không phải chuẩn bị cho cuộc sống. Khởi nghiệp nông nghiệp cũng không nên làm theo phong trào, không nên coi đây là “sân chơi” chơi mà cần phải làm thật, tạo ra hiệu quả và giá trị thật.

Để làm được điều này, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp cũng phải theo chuỗi giá trị. Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp không chỉ để làm thuê cho doanh nghiệp mà còn phải tạo ra những người làm chủ.

“Không phải chỉ học nông nghiệp đơn thuần mới làm nông nghiệp được. Trong nền kinh tế ngày nay các ngành, môn học cần có sự liên kết với nhau. Ví dụ học du lịch, học quản trị kinh doanh, học thương mại, cơ khí,... cũng làm nông nghiệp được, thậm chí là làm rất tốt, đáp ứng được nhiều nhu cầu của nền kinh tế nông nghiệp” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi ba công nghệ nền tảng chủ đạo: tự động hóa, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi trình độ nguồn nhân lực phải bắt kịp với xu thế phát triển của ngành công nghệ để đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất, quản lý và tiêu dùng.

 

Nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.

Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ NN&PTNT tuyển sinh bình quân hàng năm 200 nghiên cứu sinh; 2.500 học viên cao học; 20.000 sinh viên đại học; 8.000 sinh viên cao đẳng, 20.000 học sinh trung cấp và 40.000 học sinh sơ cấp.