Thực hiện Nghị định số 98, HĐND - UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định để tổ chức triển khai đến các cấp, ban ngành, các quận, huyện, thị xã. Đơn cử như Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sảnphẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn; các quyết định số 390, 758, 13, 3215, 4268 của UBND TP Hà Nội về danh mục các sản phẩm chủ lực, vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, đơn giản hoá thủ tục hành chính…
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Chí cho biết, triển khai Nghị định số 98, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn các nội dung của nghị định đến cán bộ quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, người nông dân… Sau 3 hội nghị triển khai, đã có hơn 20 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã liên hệ với Chi cục Phát triển nông thôn để được tư vấn xây dựng dự án liên kết. Dự kiến đến hết năm 2020, sẽ có 10 dự án liên kết được thẩm định, xét duyệt.
Để hỗ trợ các sở ngành, địa phương trong triển khai Nghị định số 98, UBND TP Hà Nội đã giao nguồn kinh phí hỗ trợ Dự án liên kết với số tiền trên 16 tỷ đồng. Hiện, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đang hướng dẫn các chủ thể có dự án liên kết để tổ chức thẩm định thuyết minh các mô hình, có chính sách hỗ trợ cụ thể.
Cùng với TP, các quận, huyện, thị xã cũng đã chủ động vào cuộc triển khai Nghị định số 98. 100% các huyện đã niêm yết quy trình giải quyết thủ tục hành chính về liên kết tiêu thụ sản phẩm để các chủ thể biết. Một số huyện đã chỉ đạo xây dựng các mô hình liên kết, đề án liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đơn cử như tại huyện Thanh Trì, có mô hình liên kết sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã An Phát, hay mô hình liên kết tiêu thụ thịt lợn theo tiêu chuẩn VietAP của Công ty CP thực phẩm Song Đạt.
Chuyên gia phổ biến các nội dung của Nghị định số 98 đến các đại biểu nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã... |
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Nghị định số 98 đặc biệt quan trọng trong thực hiện sản xuất nông nghiệp hiện nay. Đây là chính sách mang tính toàn diện, đồng bộ. Trên cơ sở nghị định, các địa pương ban hành các nghị quyết chuyên đề phù hợp với tình hình địa phương để thực hiện.
“Nếu không tập trung được nguồn lực để sản xuất theo chuỗi giá trị thì ngành nông nghiệp sẽ khó phát triển. Nếu không tiếp cận theo nhu cầu người tiêu dùng thì nông sản Hà Nội sẽ không thể cạnh tranh được ngay trên sân nhà. Chỉ có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mới giải quyết được những vấn đề này…” - ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Thời gian tới, ông Tạ Văn Tường cho biết, ngành NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nhất là tới các doanh nghiệp, hợp tác xã. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, thống kê danh sách các chủ thể đã có, hoặc đang xây dựng liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hướng dẫn hoàn thiện các nội dung theo Nghị định số 98, trình hội đồng TP thẩm định. Đồng thời, tổng hợp khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện chính sách bảo đảm phù hợp thực tiễn…