Thiếu quy định về vai trò nghề nghiệp
Thị trường BĐS ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; đồng thời cũng là thị trường chịu nhiều ảnh hưởng từ các quyết sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, xu hướng đầu tư, tiêu dùng của người dân. Để thị trường BĐS vận hành an toàn và minh bạch, vai trò của nhà môi giới BĐS đang ngày càng được đánh giá cao, với những yêu cầu ngày càng khắt khe.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VARS) Nguyễn Chí Thanh, để những nội dung trên thực sự đi vào cuộc sống, rất cần luật hóa với những quy định ràng buộc chặt chẽ hơn, mạnh hơn về hoạt động của sàn giao dịch và môi giới BĐS. Đặc biệt là quy định về vai trò, trách nhiệm của sàn giao dịch trong việc cung cấp thông tin, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư hoặc người mua nhà khi tham gia giao dịch.
Tất cả người hành nghề tư vấn môi giới cho khách hàng phải hoàn thành đúng, đủ các quy định trước khi hoạt động, trong đó bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới. Chứng chỉ này sẽ được mã hóa, số hóa dưới hình thức thẻ hành nghề, hình thành hệ thống thông tin dữ liệu để cơ quan nhà nước quản lý. Người có thẻ sẽ là người giao dịch cuối cùng, xác nhận thông tin cần thiết tư vấn cho khách hàng; mã thẻ sử dụng khi ký hợp đồng sẽ là căn cứ để đánh giá trách nhiệm liên đới khi giao dịch xảy ra vấn đề và như vậy người hành nghề bắt buộc hoạt động nghiêm túc, có uy tín.
Bên cạnh đó, sẽ rất khó để thực thi những vấn đề nêu trên nếu chỉ có sự quản lý trực tiếp của Nhà nước. Do đó, để việc quản lý, phát triển thị trường BĐS của Nhà nước thực sự hiệu quả, tiết kiệm ngân sách quốc gia, rất cần thiết phải rà soát lại, làm rõ vai trò của các hội chuyên môn nghề nghiệp tham gia vào trong quá trình đào tạo chuyên môn, chứng chỉ hành nghề.
Khá nhiều nước đã quy định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các điều luật. Thậm chí ở một số nước, Hiệp hội ngành nghề còn là đơn vị cấp chứng chỉ môi giới BĐS. Ví dụ như ở Anh Quốc, thẻ hành nghề môi giới BĐS được cấp bởi Hiệp Hội BĐS (National Association of Estate Agents - NAEA), còn tại ở Úc, do các tổ chức đào tạo của Hiệp hội ANTA.
Quay trở lại Việt Nam, pháp luật nước ta đã có hành lang pháp lý khá đầy đủ và rõ ràng cho việc cấp phép thành lập, tổ chức và hoạt động của từng tổ chức xã hội nghề nghiệp. Hiện đã có rất nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp của các ngành nghề được quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong các điều luật. Các tổ chức này đã đóng góp rất lớn vào việc phát triển ngành nghề và công tác quản lý xã hội của nhà nước như: Luật Du lịch, Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Chứng khoán,...
“Trong khi đó, Luật Kinh doanh BĐS có cả 1 chương, mục liên quan đến hoạt động môi giới BĐS nhưng lại chưa có quy định về tổ chức nào là đầu mối để hỗ trợ Nhà nước kiểm soát các đối tượng này. Các Hội nghề nghiệp nên là nơi có tiếng nói cao nhất về chuyên môn, ban hành quy tắc đạo đức, ứng xử hành nghề; chuẩn hóa tiêu chuẩn, kỹ năng nghiệp vụ hành nghề, chứng nhận năng lực nghề nghiệp, tổ chức hệ thống đào tạo đạt chuẩn và xây dựng hệ thống định danh, mã hóa để quản lý, hỗ trợ hành nghề” – Phó Chủ tịch VARS Nguyễn Chí Thanh nhìn nhận.
Cần quy định rõ vai trò, chức năng
Cũng theo đại diện lãnh đạo Hội môi giới BĐS Việt Nam, việc bổ sung vào Luật Kinh doanh BĐS các quy định cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về BĐS và môi giới BĐS không chỉ giúp Nhà nước trong việc quản lý, giám sát thị trường, tiết kiệm ngân sách quốc gia, mà còn phù hợp với chuẩn mực pháp luật của nhiều quốc gia.
Thực tế trên thế giới, rất nhiều nước có hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan đến các hoạt động môi giới: Hàn Quốc có Luật Cấp phép hành nghề môi giới BĐS, Úc và Newzealand có Luật Môi giới BĐS, Mỹ thì có luật về cấp phép hành nghề BĐS, Anh Quốc, Thụy Điển cũng có Luật về người môi giới BĐS...
Theo thống kê của VARS, hiện nay có khoảng 200.000 người hoạt động môi giới BĐS, nhưng chỉ có khoảng 40.000 người có chứng chỉ môi giới BĐS, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản. Do đó, để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, để người dân thật sự thấy yên tâm khi lựa chọn giao dịch qua môi giới, sàn giao dịch BĐS thì cần quản lý chặt chẽ hơn nữa những cá nhân hành nghề môi giới BĐS chính thức tại các sàn giao dịch BĐS.
Hoạt động của sàn giao dịch BĐS và môi giới BĐS phải đảm bảo chuyên nghiệp, kỹ năng hành nghề cao, năng lực hỗ trợ công việc phải đạt chuẩn, văn hóa đạo đức phải thành nguyên tắc không thể vi phạm...
“Vì vậy, cần cẩn phải bổ sung vào Luật kinh doanh BĐS các quy định cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về BĐS và môi giới BĐS. Điều này không chỉ giúp Nhà nước trong việc quản lý, giám sát thị trường BĐS, tiết kiệm ngân sách quốc gia, mà còn rất phù hợp với chuẩn mực pháp luật của nhiều quốc gia” – Phó Chủ tịch VARS Nguyễn Chí Thanh kiến nghị.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng với việc quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ sẽ là căn cứ để các Hội nghề nghiệp nói chung và Hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực BĐS nói riêng tham gia nghiên cứu, góp ý kiến và kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc biên soạn, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực môi giới BĐS; Tham gia tư vấn, phản biện chương trình, dự án, đề án liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về BĐS khi được cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu; Đồng thời sẽ tham gia và hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng trong lĩnh vực môi giới BĐS và tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS.