Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu thương hiệu, khó trụ vững

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Tuy nhiên, để hàng Việt có thể chinh phục được người tiêu dùng (NTD), đòi hỏi mỗi DN phải tổ chức lại các khâu sản xuất, phân phối, quảng bá... theo hướng chuyên nghiệp.
Hàng Việt ghi dấu từ bình dân đến cao cấp
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện trong cơ cấu hàng hóa tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường, có đến 90% hàng hóa được sản xuất trong nước. Tại các trung tâm thương mại, các siêu thị lớn, tỷ lệ hàng hóa thương hiệu Việt Nam luôn đạt hơn 70%.
Đến nay, nhiều DN lớn của Việt Nam đã đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản phẩm công nghệ, giá trị cao, tạo được uy tín đối với NTD, trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam trên thị trường quốc tế. Năm 2018, Tập đoàn Vingroup đã ra mắt sản phẩm ô tô, xe máy điện VinFast, điện thoại Vsmart... Những sản phẩm này thể hiện trí tuệ của người Việt Nam và khả năng chinh phục những đỉnh cao mới của hàng Việt.
 Người tiêu dùng lựa chọn mua sản phẩm tại Hội chợ hàng Việt 2018. Ảnh: Thanh Hải
Ở lĩnh vực tiêu dùng, thương hiệu giày dép Biti’s đã tiến ra thị trường quốc tế khi trở thành đối tác chiến lược của Tập đoàn đa quốc gia Disney Việt Nam. Tổng Giám đốc Biti’s Vưu Lệ Quyên cho biết, hiện Biti’s là một trong số ít thương hiệu giày dép Việt Nam có thể xâm nhập thành công vào thị trường Trung Quốc với doanh thu bình quân ở mức 30%/ năm. Ngoài ra, Biti’s còn là đối tác chiến lược của hơn 40 thương hiệu nổi tiếng châu Âu.
Thực tế ở thời điểm này, những thương hiệu Việt Nam như: Mì Miliket, bột canh Hải Châu, bánh kẹo Hữu Nghị, sữa TH True Milk, văn phòng phẩm Hồng Hà… đã là những thương hiệu chiếm được lòng tin của NTD. Cùng với việc nâng cao chất lượng thì khâu phân phối đã được DN Việt Nam đặc biệt quan tâm. Trong lĩnh vực dệt may, các DN như Việt Tiến, May 10, Nhà Bè… đều xây dựng được những chuỗi cửa hàng bán lẻ, showroom giới thiệu sản phẩm riêng.
Nói về những thành công bước đầu của việc thực hiện cuộc vận động, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết: NTD Việt Nam đánh giá cao chất lượng hàng hóa do DN Việt sản xuất, bởi kể từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chất lượng, mẫu mã hàng Việt đã được nâng lên rất nhiều và giá thành cũng phù hợp với mặt bằng chung. Đây là động lực lớn giúp các DN nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo dựng vị thế vững chãi trên thị trường nội địa.
Chinh phục người tiêu dùng bằng thực lực
Bên cạnh những thành công, hàng Việt dù đã chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu hàng hóa trong hệ thống siêu thị nhưng vẫn còn không ít DN, hộ nông dân gặp khó khăn trong quá trình đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn, nguyên nhân là do những DN sản xuất kể trên chưa xây dựng được thương hiệu; hàng hóa chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, sản lượng. “Không phải DN phân phối ưu tiên cho sản phẩm ngoại nhập hoặc có chiết khấu cao mà liệu DN Việt có dám đầu tư công nghệ để sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao, giá cả phù hợp đưa vào hệ thống phân phối tiêu thụ hay không? Nếu DN nước ngoài làm tốt hơn thì hàng Việt Nam sẽ bị đánh bật khỏi hệ thống" - ông Phạm Đình Đoàn nêu rõ.
Để trợ sức cho DN Việt, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường triển khai các giải pháp hướng dẫn DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm; ưu tiên các DN Việt Nam tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương; dành nguồn vốn khuyến công hỗ trợ DN công nghiệp, làng nghề…
Tuy nhiên, muốn hàng Việt cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa nước ngoài, bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước thì bản thân DN cũng phải nâng cao chất lượng hàng hóa, không thể cứ mãi trông chờ vào cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

"Kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, sau khi Nhà nước vận động NTD sử dụng hàng nội địa đã giúp DN xây dựng nên những thương hiệu mang tầm quốc tế như Toyota, Samsung… Nhưng để NTD chọn mua thì sản phẩm, hàng hóa đó phải có chất lượng cao." - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải