“Thổ nạp Âu Á” - con đường văn hóa của Phạm Quỳnh

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phạm Quỳnh là một nhân vật lịch sử đặc biệt bởi những đóng góp to lớn về văn hóa, giáo dục và những đánh giá suốt gần một thế kỷ qua. Nhưng gần đây, công luận xã hội đã nhìn nhận về ông một cách công bằng hơn, đặc biệt là vai trò của một nhà văn hóa.

Dung hòa văn hóa Đông, Tây

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ đã dẫn đến một tình thế khó khăn về lựa chọn, tiếp nhận văn hóa. Người Pháp cố tình áp đặt văn hóa Pháp, văn hóa phương Tây vào văn hóa Việt Nam lúc này đã lạc hậu, cằn cỗi và bệ rạc vì văn hóa Trung Hoa. Lựa chọn con đường nào cho văn hóa nước nhà trong bối cảnh đó? Cố khư khư giữ nền văn hóa cũ như nhà Thanh (Trung Quốc) hay chấp nhận từ bỏ truyền thống văn hóa dân tộc để chuyển hẳn sang văn hóa phương Tây? Hay tiếp nhận các yếu tố tiến bộ của văn hóa phương Tây để dung hòa với các truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Đây là một cuộc lựa chọn khó khăn của các thế hệ trí thức cựu/Nho học và tân/Tây học.

Phạm Quỳnh trong biệt thự Hoa Đường bên sông An Cựu, Huế năm 1945.
Phạm Quỳnh trong biệt thự Hoa Đường bên sông An Cựu, Huế năm 1945.

Phạm Quỳnh đã nhận thấy tình thế đó khi ông cho rằng: "Ta đang ở chỗ giáp giới hai nền văn minh. Văn minh phương Đông cũ kỹ nhưng là cái vốn có của ta, bỏ đi không nỡ; văn minh phương Tây mới mẻ nhưng tự ngoài đem lại, thâu lấy cũng khó… Xét bề ngoài, tựa hồ như có bên thắng bên bại, tình thế đã rõ ràng, nhưng người mình đối với bên nào cũng còn lúng túng chưa quyết hẳn theo một phương châm nhất định, không biết nương tựa vào đâu. Các nhà cựu học chán đời không làm gì. Phái tân học chủ trương chỉ theo Tây học… Vấn đề văn hóa ở nước ta khó khăn phiền phức vô cùng"…

Là trí thức tân học có nền tảng tri thức Nho học phong phú, Phạm Quỳnh là một trong những người tiên phong lựa chọn con đường duy tân văn hóa. Ông chủ trương “Thổ nạp Âu Á”, có nghĩa là dung hòa văn hóa Đông, Tây, bỏ cái dở, giữ cái hay của văn hóa cổ truyền, tiếp thu những cái hay, cái tốt, cái khoa học của văn hóa phương Tây để xây dựng nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh mới của đất nước và thời đại.

Sự lựa chọn đó xuất phát từ nhận thức khoa học của ông về văn hóa. Theo ông: "Phàm sự văn hóa là phải vun trồng tự nơi căn bản, nếu bỏ căn bản của mình mà chuyên sao chép của người khác, tự mình không có gốc sẵn mà đi mượn của người ta thời như người vay lãi mà ăn, sớm muộn tất có ngày vỡ nợ"; và: "Nếu ví con người như cái cây thì văn hóa là cách vun trồng, chăm bón sao cho con người nảy nở được hết cái tốt đẹp của mình".

Phạm Quỳnh nhận thức văn hóa là cội nguồn, là sức sống của một dân tộc, có độc lập về văn hóa mới có độc lập về chính trị, mới có cơ hội cứu nước. Ông từng viết: "Từ khi biết nghĩ đến giờ, lúc nào tôi cũng băn khoăn khắc khoải về vấn đề văn hóa của nước mình, tưởng như hạnh phúc cả một đời, vận mệnh cả một nước là ở đó". Ông quan niệm: “Tiếng ta còn, nước ta còn”, phải giữ cho bằng được “Tiếng ta” mà theo ông là hồn cốt dân tộc - tức nền văn hóa dân tộc, thì mới tiến tới giành được độc lập dân tộc.

Ngày 31/5/1922, diễn thuyết ở Trường Thuộc địa (Pháp), Phạm Quỳnh xác quyết: "Chúng tôi là một dân tộc cổ kính có một nền văn hóa lâu đời, ngày nay muốn hội nhập vào thế giới hiện đại, nhưng dứt khoát không muốn từ bỏ nền văn minh, cái quá khứ mà tổ tiên đã để lại qua nhiều thế kỷ. Chúng tôi muốn là chính mình. Muốn giữ lấy bản sắc của mình, giữ lấy cái quốc hồn quốc túy của dân tộc mình".

Ngày 22/7/1922, diễn thuyết tại Hội Hàn lâm Luân lý Chính trị học (Pháp), Phạm Quỳnh khẳng định: "Nhưng dân Việt Nam chúng tôi, không thể ví như tờ giấy trắng được. Dân tộc chúng tôi là một quyển sách cổ đầy những chữ viết bằng một thứ mực không phai, đã mấy mươi thế kỷ nay; không có thuốc gì xóa hẳn được thứ chữ ấy đi. Không ai có quyền tự do muốn viết gì vào đấy thì viết được. Quyển sách cổ ấy, có thể đóng theo kiểu mới cho hợp thời trang, nhưng không thể đem in một thứ chữ ngoài lên trên các dòng chữ cũ được".

Vì vậy, ngay từ rất sớm, ông đã ra sức phấn đấu cho một nền văn hóa dân tộc bằng phương pháp riêng của mình, đó là báo chí và học thuật.

Nam Phong tạp chí - cỗ xe văn hóa

Từ năm 1907, Phạm Quỳnh đã tham gia Đông Kinh nghĩa thục, dạy tiếng Pháp, tiếng Việt và diễn thuyết ở đây. Ông cũng bắt đầu viết báo khoảng thời gian này, nhiều nhất cho Đông Dương tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Nam Phong tạp chí là nơi làm nên sự nghiệp báo chí, văn hóa, học thuật và chính trị của ông; nhưng những rắc rối về nhận thức, đánh giá đối với ông cũng chủ yếu từ Nam Phong tạp chí mà ra.

Xuất bản Nam Phong Phong tạp chí là chủ trương của chính quyền thực dân nhằm thúc đẩy đường lối Pháp - Việt đề huề, thân Pháp. Phạm Quỳnh biết điều đó nhưng ông nhận lời làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí vì ông muốn sử dụng nó, biến nó thành Ngọn gió nước Nam để truyền bá tư tưởng, học thuật đông tây, kim cổ; truyền bá chữ Quốc ngữ, xây dựng nền Quốc văn, Quốc học, phát triển văn hóa, khích lệ tinh thần dân tộc. Ông tâm sự: “Sở dĩ tôi nhận mở báo Nam Phong vì chính phủ tự lòng cho phép chớ không phải tôi yêu cầu. Và tôi muốn lợi dụng làm một cơ quan bồi bổ quốc văn, cho thêm nhiều tiếng, cho đủ tài liệu để phiên dịch và truyền bá các tư tưởng Âu Tây…”.

Với 210 số, mỗi số hơn 400 trang, Nam Phong tạp chí là một kho tư liệu đồ sộ gồm những sáng tác đương đại; các dịch phẩm triết học, văn học thế giới và các tác phẩm văn chương, lịch sử Việt Nam bằng chữ Hán và chữ Nôm.

 

Không bình luận về tư cách chính khách, về phương diện văn hóa, đúng như nhận định của Vũ Ngọc Phan, Phạm Quỳnh là “nhà văn hóa tiên phong” có nhiều đóng góp để bảo tồn bản sắc và đưa nền văn hóa nước nhà chuyển mình lên hiện đại.

Theo Phạm Thế Ngũ, Phạm Quỳnh cho phiên dịch và in nhiều tác phẩm triết học phương Tây là để hướng tới xây dựng cho nước nhà một nền học thuật mới thay thế cho Hán học suy tàn. Sâu xa hơn, ông muốn dần dà gây lấy trong quốc dân một chủ nghĩa quốc gia ôn hòa dựa trên cơ sở văn hóa.

Vào đầu thế kỷ XX, dân trí của ta đương thời còn lạc hậu, nền Hán học đã bộc lộ sự bất lực của mình trước nền văn minh kỹ trị phương Tây ngày càng tiến bộ. Nhưng để tiếp thu được các tư tưởng tiến bộ phương Tây và đồng thời giữ được cái hay, cái tốt của văn hóa dân tộc thì phải xây dựng một vốn liếng ngôn ngữ Việt Nam nhằm diễn đạt các tư tưởng mới mẻ đó. Ông cổ súy sử dụng và phát triển chữ Quốc ngữ, hoàn thiện dần tiếng Việt để có thể diễn đạt được mọi khái niệm cao xa, mới lạ của nền học thuật mới. Ông là người đi đầu trong việc sử dụng chữ Quốc ngữ. Ông viết 458 bài/1391 bài tiếng Việt đăng trên Nam Phong.

Theo Vũ Ngọc Phan: “Ông là người đã chủ trương cái thuyết: Đọc sách Tây là để thâu thái lấy tư tưởng, lấy tinh thần văn hóa Âu Tây, để bồi bổ cho nền quốc văn còn khiếm khuyết, để chọn lọc lấy cái hay của người mà dung hòa với cái hay của mình, ngõ hầu gìn giữ cho cái học của mình không mất bản sắc, mà vẫn có cơ tiến hóa được”.

Có thể nói, Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí đã tiếp nối sự nghiệp của Đông Kinh Nghĩa Thục mà ông đã từng tham gia. Con đường mà ông lựa chọn cùng chí hướng với Phan Chu Trinh là nâng cao dân trí, khai hóa cho đồng bào và đấu tranh bất bạo động.

Về Nam Phong tạp chí, theo Thiếu Sơn, “nhiều người không biết văn Tây, văn Tàu có thể chỉ nhờ đọc Nam Phong mà có được cái tri thức phổ thông về văn chương và học thuật Đông Tây”. Vũ Ngọc Phan cho đó là một “bách khoa toàn thư”. Còn Thanh Lãng thì nhận định: "Muốn hiểu văn học Việt Nam vào hồi này (1913 - 1932) không gì tốt hơn cho bằng nhìn vào Nam Phong. Nam Phong là linh hồn, Nam Phong là tất cả văn hóa thế hệ 1913 - 1932”.

Quả thực, Phạm Quỳnh đã tập hợp được khá đông đảo trí thức tân học và cựu học để tạo được một phong trào nâng cao dân trí sôi nổi, một không khí văn hóa, văn học mới, một nền tảng học thuật mới, một nền Quốc học, Quốc văn tiến bộ.

Bên cạnh các hoạt động báo chí học thuật, ông còn là sáng lập viên, Tổng thư ký Hội Khai trí tiến đức, Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ; Phó Hội trưởng Hội Địa dư Hà Nội; Tổng Thư ký Ủy ban Cứu trợ xã hội Bắc Kỳ; tham gia Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ, Hội đồng Kinh tế và Tài chính Đông Dương. Năm 1932, ông là Đổng lý văn phòng sau đó Thượng thư Bộ Học rồi Bộ Lại của triều đình nhà Nguyễn.

Kinh tế đô thị cuối tuần