Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thổ Nhĩ Kỳ - một năm sau đảo chính: Thách thức và cơ hội

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào cuối tuần qua, hàng nghìn người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung tại khu vực cầu Maryrs ở Istanbul để tham gia buổi lễ kỷ niệm tròn một năm vụ đảo chính bất thành diễn ra tại đất nước này.

  Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vẫy tay chào người dân trong lễ kỷ niệm một năm xảy ra vụ đảo chính bất thành ngày 15/7/2016.

“Giấc mơ EU” bị dập tắt

Vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Tayyip Erdogan bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/7 cách đây một năm đã khiến hơn 240 người thiệt mạng. Tính đến nay, chính quyền Ankara đã bắt giữ khoảng 50.000 đối tượng bị tình nghi liên quan và sa thải 150.000 người khác trong đó có nhiều viên chức, cảnh sát, giáo viên, binh lính… với cáo buộc liên hệ với các tổ chức khủng bố.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Tổng thống Tayyip Erdogan khẳng định sẽ đánh bại bất cứ âm mưu khủng bố, cũng như thế lực đứng đằng sau. Đồng thời kêu gọi ủng hộ việc khôi phục án tử hình tại nước này. Trong đó, nhấn mạnh việc trước tiên cần phải tử hình những “kẻ phản bội” và tái khẳng định việc sẽ ký bất kỳ dự luật nào về việc áp dụng trở lại án tử hình mà Quốc hội  nước này thông qua. Mặc dù quá trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của chính quyền Ankara vẫn chưa chính thức bị đóng băng song giới nghị sĩ EU mới đây đã hối thúc việc chính thức dừng những cuộc đàm phán về vấn đề này. Bởi các nghị sĩ EU cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn về dân chủ để được xem xét là một ứng viên của khối chứ chưa nói tới chuyện trở thành một thành viên của “Lục địa già” này. Và như vậy, những động thái trên của Tổng thống Erdogan được xem là chất xúc tác khiến cho “giấc mơ EU” bị dập tắt nhanh hơn.

Đột phá trong kinh tế

Tất nhiên, bên cạnh những tác động về chính trị, ngoại giao, vụ đảo chính bất thành cũng khiến nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ bước vào thời kỳ khó khăn. Điển hình như việc Tổng thống Tayyip Erdogan ra lệnh bắt giữ các đối tượng chống chính phủ, trong đó có nhiều DN. Cụ thể, chính quyền Ankara đã thâu tóm hoặc bổ nhiệm quản lý mới đối với khoảng 965 công ty tuyển dụng 46.357 lao động với tổng tài sản ước khoảng 11 tỷ USD. Thông tin về các đợt kiểm tra DN trên toàn lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến các nhà đầu tư lo lắng rút tiền khỏi quốc gia này. Do vậy, vài tháng sau vụ đảo chính bất thành, Thổ Nhĩ Kỳ đã nằm trong nhóm các nền kinh tế mới có tốc độ tăng trưởng thấp nhất.

Tuy nhiên, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy bước phát triển đột phá, khi GDP đạt 5% trong 3 tháng đầu năm 2017. Kết quả này đã đi ngược lại những dự đoán của các nhà phân tích kinh tế. Theo số liệu mới công bố của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ (TUIK), xuất khẩu hàng hóa của quốc gia này đã tăng hơn 9% trong 5 tháng đầu năm 2017. Giới chuyên gia nhận định, mối quan hệ tốt đẹp với Nga có thể là một “đòn bẩy” giúp thúc đẩy ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, lượng khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 2/2017 đã tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Thời gian gần đây đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy sự trở lại của khách du lịch châu Âu - một trong những thị trường truyền thống lớn nhất của ngành công nghiệp không khói của Thổ Nhĩ Kỳ - do nhiều hãng lữ hành giảm giá tour để duy trì khả năng cạnh tranh. Không thể phủ nhận những nỗ lực của chính quyền Ankara phần nào giúp khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường mới nổi này.

Như vậy, bên cạnh những khó khăn về chính trị và ngoại giao, vụ đảo chính bất thành cũng đã đem lại nhiều cơ hội, giúp nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ có bước phát triển vượt bậc.