Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thổ Nhĩ Kỳ ra “tối hậu thư” để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phần Lan và Thụy Điển hôm nay (18/5) đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bắt đầu quá trình xét duyệt tư cách thành viên dự kiến sẽ kéo dài khoảng một năm. . 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: BBC
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: BBC

Hãng tin Bloomberg ngày 17/5 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu các yêu cầu đối với NATO, Phần Lan và Thụy Điển, nếu hai nước này muốn gia nhập liên minh.

Những yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm việc các bên dỡ bỏ lệnh trừng phạt áp đặt lên Ankara liên quan đến việc nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga, cũng như tái thiết lập chương trình phát triển máy bay tiên tiến F-35, Bloomberg dẫn nguồn "ba quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ" cho hay.

Theo hãng tin Reuters, Phần Lan và Thụy Điển hôm nay (18/5) đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO tại trụ sở của khối ở Brussels (Bỉ), bắt đầu quá trình xét duyệt tư cách thành viên dự kiến sẽ kéo dài khoảng một năm.

Tuy nhiên, kế hoạch của 2 nước có thể gặp cản trở do sự phản đối của Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ không ủng hộ Helsinki và Stockholm gia nhập NATO vì hai nước này không có “lập trường rõ ràng và dứt khoát” chống lại đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Cách mạng (DHKP/C) - các tổ chức mà Ankara coi là khủng bố.

Thụy Điển và Phần Lan từng cho phép những người chạy trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn chính trị, đặc biệt là người Kurd. Đây là điều mà Ankara cho là không thể chấp nhận được.

Trước đó, hãng tin AFP hôm 13/5 đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara “không có quan điểm tích cực” về việc hai quốc gia trên gia nhập NATO. Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần chỉ trích các quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển vì tiếp nhận các nhóm người Kurd bị Ankara coi là tổ chức cực đoan và những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen. Thổ Nhĩ Kỳ đang truy nã ông Gulen, người đang sống tại Mỹ, với cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính bất thành năm 2016.

Theo Bloomberg, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan “công khai tố cáo các nhóm mà Ankara cho là khủng bố” trước khi gia nhập NATO.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 16/5 cũng xác nhận rằng Ankara muốn Helsinki và Stockholm hủy bỏ các lệnh trừng phạt thương mại mà 2 quốc gia Bắc Âu đã áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019.

Tuy nhiên theo nguồn tin của Bloomberg, danh sách các điều kiện của Ankara còn khá dài, bao gồm đề nghị mua hàng chục máy bay F-16 từ Mỹ, và bộ thiết bị nâng cấp cho phi đội F-16 hiện có của nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Moscow.

Nguồn tin của Bloomberg bác bỏ thông tin cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO có liên quan đến mối quan hệ giữa Ankara với Moscow. Nga từng cảnh báo Thụy Điển và Phần Lan không nên gia nhập NATO, đồng thời tuyên bố sẽ có phản ứng thích hợp nếu họ tạo ra các mối đe dọa.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 16/5 nói rằng “Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quý giá và mọi lo ngại về an ninh cần được giải quyết”.