70 năm giải phóng Thủ đô

Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất 10 đại sứ Mỹ và các nước phương Tây

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Động thái này được cho là sẽ tạo ra rạn nứt sâu sắc nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây trong 19 năm cầm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 23/10 cho biết đã yêu cầu Bộ Ngoại giao trục xuất các đại sứ Mỹ và 9 quốc gia phương Tây tại nước này trước yêu cầu trả tự do cho nhà từ thiện Osman Kavala.
Động thái này được cho là sẽ tạo ra rạn nứt sâu sắc nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây trong 19 năm cầm quyền của ông Erdogan.
 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters.
Osman Kavala là một doanh nhân và nhà hoạt động xã hội, bị cáo buộc tài trợ cho các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào năm 2013 và liên quan đến một cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016. Ông bị giam 4 năm qua và vẫn bị tuyên án trong phiên tòa mới nhất .
Trong một tuyên bố chung vào ngày 18/10, đại sứ Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, New Zealand và Mỹ đã kêu gọi một giải pháp công bằng và nhanh chóng đối với trường hợp của Kavala và yêu cầu “phóng thích khẩn cấp”.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/10 triệu tập nhóm đại sứ và chỉ trích lời kêu gọi trả tự do cho Kalava là vô trách nhiệm, đi ngược lại thông lệ ngoại giao và không thể chấp nhận được.
"Chúng tôi đã phản bác phát ngôn chính trị hóa quy trình pháp lý và tạo áp lực lên hệ thống tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ. Phát ngôn này đi ngược lại giá trị pháp quyền, dân chủ và tư pháp độc lập mà chính những đại sứ này hô hào bảo vệ", thông cáo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.
Tổng thống Erdogan trước đây từng đề cập tới kế hoạch gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) ở Rome vào cuối tuần tới.
Một nguồn tin ngoại giao cho biết vẫn có giải pháp để giảm leo thang căng thẳng, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện rất rõ ràng lập trường, và việc này diễn ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh G20 và hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp quốc ở Glasgow vào cuối tháng.