Kinhtedothi - Trong bối cảnh mùa đông khắc nghiệt đang đến và kho dự trữ dầu của Ukraine đã cạn dần, thỏa thuận sơ bộ về giá khí đốt mà các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu đạt được sau một loạt cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) tại TP Milan, Italia (17 - 18/10) được coi là mang tính bước ngoặt, tạo cơ sở để các bên thực hiện những bước đi tiếp theo trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Với mức giá 385 USD/1.000m3, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã thở phào nhẹ nhõm khi tuyên bố, từ nay đến ngày 31/3/2015, người dân nước này sẽ có khí đốt để sưởi ấm. Đây có thể được coi là một thắng lợi quan trọng của ông Poroshenko bởi Thủ tướng Yatsenyuk hôm 8/10 đã thừa nhận, Ukraine vẫn còn thiếu 5 tỷ mét khối khí đốt so với nhu cầu để nước này có thể vượt qua được mùa đông sắp tới. Tại thủ đô Kiev, chính quyền đã phải luân phiên cắt nguồn khí đốt cho các khu vực khiến người dân Ukraine bên cạnh nỗi lo về tình trạng bất ổn còn phải gánh thêm nỗi sợ hãi về một mùa đông khắc nghiệt đang tới dần.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Italia Matteo Renzi, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trong một cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh Á - Âu tại Milan hôm 17/10. Ảnh: Reuters
|
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn đang tiếp diễn và EU chưa phát đi dấu hiệu nào cho thấy sẽ chấm dứt hoặc giảm mức độ các đòn trừng phạt Nga, khả năng hợp tác năng lượng giữa Nga với Ukraine và châu Âu chắc chắn bị ảnh hưởng. Một trong những tác động rõ ràng nhất là Nga đã cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho những nước châu Âu có hành động cung cấp khí đốt ngược lại cho Ukraine. Trong những tuần qua, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Cộng hòa Séc, Rumania thông báo không nhận đủ lượng khí đốt theo hợp đồng từ phía Nga. Đặc biệt, việc Ukraine không kịp nạp đủ lượng khí đốt cần thiết để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông, cũng như đảm bảo cho hoạt động chuyển tải khí đốt sẽ khiến cả châu Âu khốn đốn như những gì đã từng xảy ra vào năm 2006 và 2009. Vì thế, thỏa thuận sơ bộ đạt được tại Milan lần này không chỉ giúp Ukraine có cơ hội vượt qua mùa đông mà còn tiếp thêm hy vọng về một thỏa thuận mang tính dài hơn và bền vững hơn tại cuộc đàm phán tiếp theo về khí đốt diễn ra ngày 21/10 tới tại Thủ đô Brussels, Bỉ.
Điều đáng nói là, các cuộc đàm phán tại Milan đã không mang lại nhiều đột phá liên quan tới tình hình căng thẳng tại miền Đông. Dù các bên đều nhất trí về sự cần thiết phải duy trì thỏa thuận hòa bình đạt được tại Minsk hồi đầu tháng 9, song việc thực thi các điểm trong thỏa thuận này lại tiếp tục chứng kiến sự bất đồng giữa các bên. Các bên vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau gây căng thẳng.
Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo Ukraine, cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào ngày 2/11 tới tại khu vực miền Đông có thể làm vô hiệu hóa thỏa thuận đạt được. Sự khác biệt quá lớn trong quan điểm của các bên một lần nữa cho thấy, thỏa thuận về khí đốt tuy mang tính bước ngoặt nhưng vẫn là chưa đủ để thúc đẩy một thỏa thuận lâu dài tại miền Đông Ukraine. Bởi, dù diễn ra nhiều cuộc gặp, song tất cả những tiến triển đạt được vẫn chỉ giới hạn trong các tuyên bố và văn bản ký kết sau đàm phán, còn việc có thực thi được thỏa thuận hay không vẫn còn cần một chặng đường dài với nỗ lực của tất cả các bên.