Thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, xung đột tại Gaza chứng kiến bước ngoặt lớn
Thỏa thuận này, dự kiến bắt đầu từ ngày 19/1, sẽ bao gồm việc thả hàng chục con tin Israel bị bắt giữ bởi Hamas, cùng với hàng trăm tù nhân Palestine từ các nhà tù Israel. Đồng thời, thỏa thuận cũng cho phép viện trợ nhân đạo khẩn cấp đến với những người dân bị ảnh hưởng và hàng trăm nghìn người phải di dời quay về nhà.
Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, trong buổi họp báo tại Doha, nhấn mạnh sự thành công của lệnh ngừng bắn phụ thuộc vào việc Israel và Hamas hành động thiện chí để duy trì thỏa thuận. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh nỗ lực này, ghi nhận vai trò quan trọng của ngoại giao Mỹ trong nhiều tháng qua và khẳng định lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài miễn là các bên tiếp tục đối thoại. Ông cũng cam kết hỗ trợ tăng cường viện trợ nhân đạo tại Gaza.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết vẫn còn các chi tiết cần hoàn thiện, đặc biệt là danh sách các tù nhân Palestine sẽ được thả. Các cuộc thảo luận này sẽ được chính phủ Israel và nội các an ninh xem xét vào ngày 16/1. Theo kế hoạch, giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận sẽ chứng kiến việc Hamas thả 33 con tin Israel, trong đó có phụ nữ, trẻ em và những người cao tuổi, cùng hai con tin người Mỹ. Đổi lại, Israel sẽ thả một số lượng lớn tù nhân Palestine.
Khi thông tin thỏa thuận được công bố, người dân tại Dải Gaza đã đổ xuống đường ăn mừng, thể hiện niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Ở Khan Younis, người dân vẫy cờ và nhảy múa để mừng chiến thắng. Tại Tel Aviv, gia đình các con tin Israel cảm thấy yên lòng khi nghe tin người thân sắp trở về.
Thỏa thuận này cũng hướng đến việc xoa dịu nỗi đau cho người dân thông qua việc mở rộng viện trợ nhân đạo. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi tăng cường nỗ lực hỗ trợ người dân Gaza, trong đó nhấn mạnh giảm nhẹ đau thương phải là ưu tiên hàng đầu. Liên Hợp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cam kết mở rộng quy mô hoạt động viện trợ trong thời gian tới.

Thỏa thuận ngừng bắn, đạt được nhờ sự trung gian của Ai Cập, Qatar và sự hậu thuẫn của Mỹ, là kết quả của nhiều tháng đàm phán khó khăn. Giai đoạn thứ hai của thỏa thuận dự kiến bắt đầu vào ngày thứ 16 sau khi lệnh ngừng bắn được thực hiện, với mục tiêu thả tất cả con tin còn lại, thiết lập lệnh ngừng bắn lâu dài và rút quân hoàn toàn của Israel khỏi Dải Gaza.
Ở giai đoạn cuối cùng, các bên sẽ tiến hành trả lại thi thể các con tin đã thiệt mạng và khởi động quá trình tái thiết Dải Gaza. Công tác tái thiết sẽ được điều phối bởi Ai Cập, Qatar và Liên Hợp Quốc, nhằm phục hồi khu vực sau 15 tháng chiến tranh khốc liệt. Hamas, trong một tuyên bố, gọi đây là "thành tựu to lớn" của người dân Palestine.
Dù thỏa thuận này đánh dấu bước tiến quan trọng, nhưng những thách thức trong việc duy trì hòa bình và khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn là nhiệm vụ nặng nề cho cả hai bên và cộng đồng quốc tế.

Xung đột Hamas-Israel có quyết định cuộc đua Tổng thống Mỹ 2024?
Kinhtedothi - Sự rạn nứt cũng hiện hữu trong chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở thời điểm phản ứng xung đột ngày càng mạnh mẽ trước số lượng thương vong liên tục gia tăng ở Gaza.

Xung đột Hamas-Israel: Khi thường dân thành lá chắn sống
Kinhtedothi - Hamas và Israel thực sự đang tiến rất gần đến một thỏa thuận về con tin, đặc biệt là đưa phụ nữ và trẻ em rời khỏi dải Gaza.

Thêm nhiều con tin được thả, xung đột Hamas-Israel chứng kiến bước ngoặt lớn
Kinhtedothi - Những tín hiệu tích cực gần đây làm dấy lên hi vọng xung đột ở Trung Đông sẽ sớm chấm dứt.