Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thoát nghèo nhờ chè sạch

Bài, ảnh: Thu Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tận dụng địa thế đồi gò, những năm qua, người nông dân xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai tập trung phát triển cây chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Hướng đi mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ nông dân, đồng thời đưa địa phương hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Theo thống kê, toàn xã Hòa Thạch hiện có khoảng 200ha chè, tập trung chủ yếu tại hai thôn Long Phú và Hòa Phú. Chè trở thành cây trồng chủ lực của địa phương với giá trị kinh tế mang lại tăng nhanh qua từng năm. Giá trị kinh tế từ cây chè hiện chiếm trên 32% tổng giá trị ngành sản xuất nông nghiệp. Năng suất chè đạt khoảng 13 tấn/ha, doanh thu đạt từ 700 - 800 triệu đồng/ha/năm.
 Cây chè đang mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân xã Hòa Thạch.
Nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm chè, UBND xã Hòa Thạch đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu chè Long Phú. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã xây dựng được mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chè theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo bền vững của HTX Nông nghiệp Long Phú. Đây là điều kiện thuận lợi để sản phẩm chè sạch xã Hòa Thạch tiếp tục vươn xa, đến với thị trường các tỉnh, TP lân cận.

Đến nay, cây chè đang mang lại thu nhập cho khoảng 572 hộ dân. Giá trị từ cây chè giúp thu nhập bình quân đầu người xã Hòa Thạch liên tục tăng qua các năm, hiện đạt 39 triệu đồng/năm. Việc chỉ còn 17 hộ nghèo (chiếm 0,5%) cũng đưa xã Hòa Thạch trở thành một trong những địa phương có tỷ lệ nghèo thấp nhất toàn TP.

Mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng việc phát triển cây chè tại xã Hòa Thạch vẫn còn những khó khăn nhất định. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch Cấn Văn Thành cho biết, độ dốc địa hình trên 10% khiến công tác tưới tiêu tại một số khu vực gặp bất lợi. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển nhanh của Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng đang khiến diện tích đất canh tác trên địa bàn ngày một giảm sút. Hai nguyên nhân trên khiến việc phát triển cây chè gặp nhiều trở ngại.

Bên cạnh bài toán sản xuất nông nghiệp với sản phẩm chè VietGAP là chủ lực, ông Thành cũng bày tỏ trăn trở liên quan tới khó khăn về nguồn vốn thực hiện các tiêu chí về hạ tầng phục vụ sản xuất. Theo ông Thành, việc huy động nguồn vốn cho xây dựng NTM tại địa phương rất khó khăn. Qua 6 năm, địa phương chỉ huy động được khoảng… 35 tỷ đồng vốn đóng góp của Nhân dân. Con số này chỉ chiếm hơn 9% tổng nguồn vốn đã đầu tư kể từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM.

Để xã Hòa Thạch tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, ông Thành kiến nghị TP, huyện Quốc Oai tiếp tục quan tâm, bố trí vốn nâng cấp hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm chè VietGAP của địa phương. Đồng thời, tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn bị thu hồi đất sản xuất xây dựng các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.