Trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, những ứng dụng của công nghệ số hóa với vô số thay đổi rất lớn, bắt đầu là làn sóng fintech (công nghệ tài chính) rộng khắp toàn cầu, nay kéo theo các dịch vụ ngân hàng thế hệ mới có tên là Neobank.
Neobank - ngân hàng số
Neobank hoạt động trên nền tảng số hóa. Trong tiếng Anh, bank là ngân hàng và neo là cách viết khác của new (mới); vì vậy được hiểu là ngân hàng thời đại mới hay hình thức mới. Neobank chính là ngân hàng số hoạt động không qua bất kỳ chi nhánh nào và cung cấp các dịch vụ online cho người dùng thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc máy tính. Mọi quy trình tại đây đều được số hóa 100%.
Với lợi thế không phải gánh chi phí khổng lồ trong việc duy trì mạng lưới chi nhánh và nhân lực, Neobank (và cả các công ty fintech) đang giành nhiều khách hàng từ tay các ngân hàng truyền thống. Không phải gồng gánh chi phí “khủng” đó, Neobank còn có thể cung cấp đa dịch vụ 24/7 với chi phí thấp hơn so với ngân hàng truyền thống.
Sự xuất hiện của các Neobank trên thế giới đã định hình lại bức tranh ngân hàng bằng nhiều dịch vụ tài chính sáng tạo và thực tế. Ví dụ, tập trung vào việc xây dựng các sản phẩm phục vụ cho từng phân khúc khách hàng cụ thể, như: Cung cấp thẻ tín dụng và nền tảng ngân hàng kinh doanh được xây dựng dành riêng cho phân khúc DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ, những người làm việc tự do (freelance).
Thứ nhì là hệ sinh thái Open API (hay API Banking), tức ngân hàng mở. Nhờ hệ sinh thái này, các DN giờ đây có thể xây dựng và khởi động các sản phẩm tài chính tốt nhất và nâng cấp trải nghiệm người dùng một cách dễ dàng. Phần lớn sự đổi mới trong lĩnh vực này tập trung vào thanh toán và cho vay. Ví dụ: Cung cấp các Open API xoay quanh thanh toán, tiền gửi, thẻ, từ đó trao quyền cho các công ty fintech xây dựng và tung ra các sản phẩm tài chính mới mẻ cho khách hàng.
Một số xu hướng đi theo Neobank
Quản lý chi phí: Việc tăng áp lực lên quản lý chi phí sẽ thúc đẩy các ngân hàng truyền thống hợp tác với các Neobank. Do nhiều ngân hàng truyền thống đang gặp khó khăn trong hoạt động kiểm soát chi phí, việc quản lý hợp lý sẽ giúp các ngân hàng có lãi.
Đa dạng tính năng và tăng lượng người dùng: Theo ước tính toàn cầu, hơn 98 triệu người sẽ sử dụng Neobank vào năm 2024. Những người tiêu dùng hiểu biết, và yêu thích tính tiện dụng của công nghệ sẽ trở thành khách hàng của Neobank.
Đa kênh: Các chi nhánh, phòng giao dịch thật sự của các ngân hàng truyền thống sẽ phải đóng cửa vì Neobank với mạng lưới đa kênh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và DN. Đến năm 2023, ước tính đa số các ngân hàng lớn sẽ đóng cửa 30% chi nhánh của họ.
Nền tảng số: Với 7/10 người Ấn Độ sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cá nhân của họ, các nền tảng ngân hàng sẽ sớm chuyển thành nền tảng số. Vì vậy, đến năm 2023, các nền tảng sẽ kết hợp các dịch vụ tài chính với các khía cạnh khác của cuộc sống hàng ngày và cuộc sống kinh doanh, chẳng hạn như mua sắm trực tuyến, thị trường B2B (DN với DN), kết nối DN vừa và nhỏ…
Trong tương lai gần, Neobank sẽ tiếp tục phát triển và ngày càng nhận được sự tin tưởng từ khách hàng. Hiện nay, với sự bùng nổ của đại dịch Covid-19, việc phát triển các dịch vụ ngân hàng số càng được chú trọng.
Cuộc chơi ở Việt Nam cũng sôi động
Áp lực cạnh tranh, áp lực phải thay đổi công nghệ đang buộc các DN và ngân hàng ở Việt Nam không thể thờ ơ trước làn sóng Neobank mạnh mẽ từ thế giới. Các ngân hàng phải duy trì quy mô, tăng trưởng và phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, buộc giao dịch trực tuyến. Các chuyên gia cho rằng thời điểm hiện nay có thể được xem là đúng thời gian để ngành tài chính và ngân hàng Việt Nam tạo ra những đột phá và đổi mới nhờ tỷ lệ dân số tham gia hệ thống tài chính thấp nhưng tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh và mức độ thâm nhập internet rất cao, cùng với dân số trẻ, am hiểu về ứng dụng kỹ thuật số. Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy đổi mới, hướng tới mục tiêu 80% dân số trưởng thành chính thức đăng ký sử dụng các dịch vụ ngân hàng vào năm 2025.
Ngày 11/8/2021 vừa qua, Timo, nền tảng ngân hàng số tiên phong tại Việt Nam, đã công bố hợp tác chiến lược với Mambu để tận dụng những lợi ích của nền tảng ngân hàng lõi dựa vào công nghệ đám mây SaaS nhằm tăng quy mô kinh doanh một cách đáng kể.
Sự hợp tác cùng lúc với Mambu và AWS cũng cho phép Timo đạt được nhiều lợi ích từ một loạt ứng dụng công nghệ phù hợp nhất, tận dụng đầy đủ các lợi ích sẵn có của nền tảng chuyên dụng cho ngân hàng số, từ đó giúp Timo khẳng định vị thế trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam.
Ông Henry Nguyễn, CEO Timo cho biết, nền tảng ngân hàng lõi dựa vào công nghệ đám mây do Mambu cung cấp được đánh giá có chất lượng hàng đầu trên thị trường. Chúng tôi chọn Mambu với gói dịch vụ toàn diện từ AWS để hỗ trợ Timo mở rộng quy mô kinh doanh, vì chúng tôi nhìn thấy những giá trị đích thực mà nền tảng ngân hàng lõi SaaS có thể giúp Timo phát huy được thế mạnh cũng như thêm tự tin trong việc hiện thực hóa tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Theo ông Myles Bertrand - Giám đốc điều hành Mambu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mambu luôn tìm cơ hội hợp tác với các DN đang nỗ lực cải thiện tài chính toàn diện và mang lại các dịch vụ ngân hàng tốt hơn thông qua định hướng tập trung đầu tư chiến lược vào đổi mới công nghệ. Thông qua hợp tác này, Mambu sẽ đồng hành cùng Timo mang lại sự phát triển nhanh chóng và tạo ra khác biệt thực sự trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng tại thị trường Việt Nam.
Cũng vào giữa tháng 8 này, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) được tạp chí The Banker của thế giới trao giải thưởng “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Ngân hàng số năm 2021” ở hạng mục Ứng dụng trên điện thoại di động. Theo nhận định từ The Banker, chính đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo nên bước tiến nhảy vọt với sự ra đời của nhiều sản phẩm và dịch vụ đột phá. Vượt qua ứng viên đến từ nhiều châu lục, ứng dụng MyVIB đã thuyết phục hội đồng bình chọn và giành vị trí cao nhất bởi những sáng kiến quan trọng giúp thay đổi thói quen giao dịch của khách hàng, cũng như việc tiên phong áp dụng những công nghệ dẫn đầu xu thế trong tương lai.
Năm 2020 và nửa đầu năm 2021, VIB đã phát triển nhiều tính năng mới giúp người dùng ngân hàng số có thêm phương thức giao dịch an toàn, thuận tiện. VIB là ngân hàng đầu tiên cung cấp bảo hiểm sức khỏe qua ứng dụng ngân hàng di động cho phép người dùng đăng ký và nhận hợp đồng chỉ sau một vài phút đăng ký. Cuộc đua dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam cũng có nhiều tên ngân hàng khác như Vietcombank, VietinBank, Bản Việt, TPBank, VPBank, SMB , OCB...
Sự xuất hiện của các Neobank trên thế giới đã định hình lại bức tranh ngân hàng bằng nhiều dịch vụ tài chính sáng tạo và thực tế. Ví dụ, tập trung vào việc xây dựng các sản phẩm phục vụ cho từng phân khúc khách hàng cụ thể, như: Cung cấp thẻ tín dụng và nền tảng ngân hàng kinh doanh được xây dựng dành riêng cho phân khúc DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ, những người làm việc tự do.