Thời khắc quyết định

NGUYÊN SA
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày này, số phận của thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) ký kết giữa Mỹ, Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức hồi mùa hè năm 2015 đang được các bên liên quan định đoạt...

Dự thảo thoả thuận mới đã được EU dự thảo và chuyển tới các bên nói trên. EU còn cho biết đàm phán đã hoàn toàn kết thúc. Mấu chốt vẫn là dự thảo ấy có được Mỹ và Iran chấp thuận hay không.

Cho tới thời điểm hiện tại, ba bên ở châu Âu cùng Nga và Trung Quốc không biểu lộ phản ứng gì về dự thảo thoả thuận của EU, rõ ràng ẩn ý đã chấp thuận nó.

Trong khi đấy, cả Mỹ và Iran đều có những phản hồi nhất định, phản hồi chứ không phản đối, có đề nghị bổ sung và làm rõ thêm nhưng không bác bỏ. Những động thái này đều báo hiệu 7 bên liên quan rồi sẽ cùng nhau ký kết được thoả thuận cuối cùng.

Thoả thuận mới này trên danh nghĩa khôi phục hiệu lực của JCPOA, tức là Mỹ sẽ tham gia trở lại JCPOA và cùng Iran tuân thủ JCPOA. Nhưng chắc chắn trong thoả thuận mới về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran sẽ bổ sung thêm những nội dung mới để ngăn trừ việc có bên tham gia ký kết nào đấy đơn phương rút ra khỏi thoả thuận như Mỹ đã làm hồi năm 2018 và để giám sát chặt chẽ hơn chương trình hạt nhân dân sự của Iran trong tương lai.

Thời cuộc chuyển biến đã tạo áp lực rất lớn buộc Mỹ và Iran phải đi vào thoả hiệp với nhau. Mỹ cần thoả thuận để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, cần yên ổn ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh để đối phó Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Joe Biden cần thêm thành tựu đối ngoại phục vụ cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp đến ở nước Mỹ. Iran cần sự giải thoát khỏi hiệu ứng tiêu cực của tình trạng bị bao vây, cấm vận và trừng phạt, cần thoả thuận với Mỹ để gây dựng hình ảnh khác trước ở khu vực và để tránh nguy cơ bị lệ thuộc ngày càng cao vào mối quan hệ với Nga và Trung Quốc. Cho nên, thoả thuận mới hiện đã đến được thời khắc quyết định.