Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thời tiết mùa đông sắp tới sẽ là điều kiện thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 phát triển

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian tới Việt Nam có thể ghi nhận các trường hợp mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc lây nhiễm từ các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Đồng thời, thời tiết mùa đông sắp tới sẽ là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển.

Chiều 30/9, Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội giao ban với các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP.
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện tại, Việt Nam đứng thứ 165 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới về số ca mắc bệnh. Hiện nay dịch bệnh tại nước ta đã được kiểm soát và đã qua 26 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Lũy tích đợt 3 (từ ngày 25/7 đến nay), có 678 ca măc và 35 ca tử vong. Trong đó 551 ca ngoài cộng đồng và 127 ca nhập cành được cách ly tập trung.
  Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội giao ban dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP.
Tại Hà Nội, từ ngày ngày 17/8 đến nay đã 44 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, tại Hà Nội còn ghi nhận các ca bệnh từ nước ngoài trở về, trong một tuần qua ghi nhận một trường hợp dương tính cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Lũy tích đợt 3 (từ ngày 25/7 đến nay), có 43 ca mắc chưa có tử vong. Trong đó 11 ca ngoài cộng đồng và 32 ca từ được cách ly ngay khi nhập cảnh.
Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội nhận định, hiện nay, dịch bệnh tại nước ta đã được kiểm soát, tuy nhiên dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp với số ca mắc và tử vong hàng ngày còn ở mức cao, thậm chí đã lây lan nhanh trở lại tại một số nước sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Theo nhận định của các nhà chuyên gia, trong thời gian tới Việt Nam có thể ghi nhận các trường hợp mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc lây nhiễm từ các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Đồng thời, thời tiết mùa đông sắp tới sẽ là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển; chính vì vậy các đơn vị cần phải tập trung thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, không được có tâm lý chủ quan, lơ là khi cảm thấy dịch bệnh đã được kiểm soát.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020 về công tác phòng chống dịch Covid-19 và các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, Thành ủy, UBND Thành phố về việc triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới. Trong đó lưu ý tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch, chú trọng truyền thông về thực hiện thông điệp 5K, cài đặt và sử dụng các ứng dụng khai báo y tế tự nguyện Bluezone.
Tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.
Từng cơ quan, đơn vị, tổ chức phải có phương án cụ thể và thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch theo các tiêu chí do Bộ Y tế quy đinh. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị và trong phạm vi quản lý.
Trường hợp xuất hiện dịch bệnh, tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp khoanh vùng thật gọn, cách ly triệt để, xét nghiệm ngay ở phạm vi cần thiết, kịp thời truy vết nhanh, bảo đảm ngăn chặn, kiên quyết không để dịch lây lan trên diện rộng.
Sở Y tế phối hợp với các đơn vị có liên quan phổ biến các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch trong các hoạt động kinh tế xã hội theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc quản lý, phòng chống dịch đối với người nhập cảnh. Tất cả người nhập cảnh đều phải khai báo y tế, xét nghiệm, cách ly, giám sát y tế phù hợp và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Hướng dẫn cụ thể việc bảo đảm an toàn các cơ sở y tế theo các tiêu chí của Bộ Y tế; tăng cường việc đăng ký khám bệnh qua mạng; siết chặt việc thực hiện phân luồng người đi lại giữa các khoa trong nội bộ cơ sở y tế; có phương án xét nghiệm, kết nối giữa các bệnh viện trong việc tiếp nhận, xét nghiệm giới thiệu xét nghiệm người bệnh khi có biểu hiện bệnh Covid-19; chú trọng bảo đảm an toàn cho bệnh nhân nặng điều trị tại cơ sở y tế...
UBND các quận, huyện, thị xã chủ động áp dụng các biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, đồng thời không để ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đòi sống nhân dân. Chú trọng phòng, chống dịch tại các địa bàn tập trung đông dân cư, các khu vực thường xuyên có tập trung đông ngưòi, trường học, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, cơ sở cách ly.... Chủ động chuẩn bị các kịch bản, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực đáp úng yêu cầu phòng, chống dịch.
Các đơn vị tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy đinh về công tác phòng chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt kiểm tra việc tuân thủ các quỵ định, quy trình về phòng chống dịch tại các khách sạn phục vụ công tác cách ly và tại nơi lưu trú của những người nhập cảnh.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đề xuất biện pháp quản lý những người Việt Nam nhập cảnh trên những chuyến bay thương mại về nước phù hợp với thực tế và đảm bảo đúng các quy định về phòng chống dịch.