Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thời tiết nắng nóng, nhiều nghề kiếm bộn tiền

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong đợt nắng nóng này, trong khi nhiều mặt hàng tăng giá đột ngột và nhiều ngành nghề "hái ra tiền" thì có không ít hàng hóa-thực phẩm lại giảm giá, rất có lợi cho người tiêu dùng.

KTĐT - Trong đợt nắng nóng này, trong khi nhiều mặt hàng tăng giá đột ngột và nhiều ngành nghề "hái ra tiền" thì có không ít hàng hóa-thực phẩm lại giảm giá, rất có lợi cho người tiêu dùng.

Đợt nóng kỷ lục kéo dài hơn một tháng qua trên lãnh thổ rộng mênh mông của nước Nga được đánh giá là "chưa từng có" trong vòng 130 năm qua.

Nhiều ngành nghề tại Nga, trước hết phải kể đến các nhà máy sản xuất thiết bị điện, nước giải khát, làm kem, các ngành xăng dầu, dược phẩm và du lịch… đang "kiếm bạc tỷ" trong cái nóng gay gắt và kéo dài bất thường này.

Tại hầu hết các khu vực miền Nam và miền Trung nước Nga, trong đó có thủ đô Mátxcơva, nhiệt độ trong bóng râm đo được vào những ngày này là trên 37 độ C.

Tại các tỉnh, thành Volgograd, Voronezh, Kazan, Tula hay Cộng hòa Kalmykia, nhiệt độ trong bóng râm vào buổi trưa 27/7 lên tới 43 độ C, tương đương 45-46 độ C ngoài trời.

Đã ba tuần nay, các cửa hàng và chợ ở thủ đô Mátxcơva và đa số các tỉnh, thành Liên bang Nga rơi vào tình trạng "cháy" hàng điện tử, khiến giá của điều hòa và quạt điện tăng gấp 2-5 lần.

Thông thường, một chiếc điều hòa hai chiều nhập ngoại ở Nga có giá 1.200-1.500USD, nay đã tăng lên hơn 3.000USD mà các cửa hàng hoặc đại lý chỉ dám nhận hợp đồng nếu giao hàng sau 2-3 tháng.

Trong hoàn cảnh tương tự, giá quạt điện nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng từ 10-15 USD/chiếc lên 100-120 USD/chiếc mà vẫn không đáp ứng đủ cầu.

Nắng nóng cũng khiến các tour du lịch lên phía Bắc nước Nga và tới vùng biển phía Nam hoặc các tour du lịch ra nước ngoài, tới Ai Cập, Dominican, Thái Lan... "đắt như tôm tươi."

Phó Chủ tịch Hiệp hội khai thác du lịch Nga, ông Vladimir Kantorovic cho biết, số lượng du khách đăng ký đi các tour này đã tăng gấp đôi trong tháng Sáu và tăng gấp 3 trong ba tuần đầu của tháng Bảy.

Những người Nga không nhiều tiền thì tìm cách ra nhà nghỉ ngoại ô hay về vùng nông thôn, khiến các cửa hàng và kiốt bị "vét sạch" lều bạt, mũ và áo tắm, xăng dầu, cho dù giá cả bị nâng lên gần gấp đôi.

Các cửa hàng bán thuốc chữa bệnh cũng rơi vào hoàn cảnh "túng thiếu" kem chống nắng và chống muỗi cũng như thuốc chữa cảm cúm.

Giám đốc điều hành hệ thống cửa hàng thuốc của Nga, bà Nelli Ignatieva phân bua: "Mùa hè này, chúng tôi đã tăng 12% các loại thuốc chữa trị và kem chống nắng, nhưng nhu cầu tăng vọt khiến chúng tôi hết nhẵn hàng."

Nắng nóng làm cho dân Nga ở thành thị năng vào các rạp chiếu bóng và nhà hát hơn.

Ông Kirill Ivanov phụ trách rạp chiếu bóng Cinema-Park giải thích, số người đi xem chiếu bóng trong tháng qua đã tăng gấp bội. Vừa được thưởng thức nghệ thuật, vừa tránh được cái nóng oi ả nên những người Mátxcơva không có điều kiện đi đây đi đó thường chọn rạp chiếu bóng làm nơi "nghỉ mát."

Tuy nhiên, "hái ra tiền" nhất phải kể đến ngành sản xuất nước giải khát và bia. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thị trường và vạch chính sách bia-rượu của Nga, ông Pavel Shapkin cho biết, thông thường vào mùa Hè, lượng bia và nước giải khát bán ra tăng 15%-20%, nhưng mùa Hè năm nay, mức tăng là 200%, đặc biệt doanh số bán bia và nước giải khát ở tỉnh Samara tăng gấp 2-3 lần.

Trong đợt nắng này, ngành y khuyên người dân Nga uống mỗi ngày ít nhất 2 lít nước nên lượng nước khoáng các loại bán ra cũng tăng lên 2-3 lần, mặc dù giá một chai nước khoáng nửa lít đã tăng từ 20-25 rup lên mức 50 rup (1,7 USD).

Các loại kem cũng trở nên đắt "như tôm tươi." Ông Shapkin thừa nhận đã 30 năm nay, nước Nga chưa từng được chứng kiến cảnh giá kem tăng hơn gấp đôi mà lượng kem bán ra vẫn tăng 25-30% mỗi ngày.

Trong đợt nắng nóng này, trong khi nhiều mặt hàng tăng giá đột ngột và nhiều ngành nghề "hái ra tiền" thì có không ít hàng hóa-thực phẩm lại giảm giá, rất có lợi cho người tiêu dùng.

Chủ tịch Hãng Kachalov & Colleaguers, ông Igor Kachalov nói thông thường tại các cửa hàng thực phẩm Nga, các tủ đựng thịt chỉ được "trù liệu" cho hoạt động ở nhiệt độ dưới 25 độ C.

Nắng nóng trên 37 độ C đã làm cho chúng trở nên vô hiệu, vì vậy, để bán được thực phẩm và tránh cảnh thực phẩm thiu, thối phải vứt đi, các cửa hàng đã nhanh chóng hạ giá thịt bò và thịt lợn từ mức 350-400 rup/kg xuống còn 170-200 rup/kg (hiện 1USD đổi được 30 rup). Tuy nhiên, cái lợi thu được từ nắng nóng là hạn hữu.

Trang web SuperJob ngày 27/7 đưa tin, các nhà y học Nga khuyên các công ty, ban, ngành nên giảm một giờ làm việc khi nhiệt độ vượt quá 30 độ C để bảo đảm sức khỏe cho công nhân viên chức, nhưng chỉ có khoảng 10% số công ty thủ đô Mátxcơva nghe theo lời khuyên này.

Ngoài năng suất lao động và giờ làm đều giảm xuống, các công ty và ban, ngành của Nga còn gặp phải tình trạng công nhân-viên chức đua nhau đi nghỉ Hè.

SuperJob xác nhận ngoài số người nghỉ phép đúng hạn, số người xin nghỉ đột xuất, nghỉ ốm hoặc nghỉ không ăn lương tại Nga trong hè này đã tăng lần lượt lên 3%, 2% và 4%./.