Thời tiết nồm ẩm, gia tăng bệnh nhân nhập viện

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, miền Bắc đã chuyển từ thời tiết khô hanh sang mưa phùn, nồm ẩm. Sự thay đổi thời tiết, nhất là khi trời nồm, ẩm hoặc chuyển lạnh là một trong những yếu tố phổ biến làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, da…

Chuyên gia y tế khuyến cáo, khi xuất hiện những biểu hiện bệnh, người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già cần thăm khám, điều trị kịp thời để phòng tránh biến chứng nguy hiểm.

Nồm ẩm khiến nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp, rối loạn tiêu hóa

Thời gian gần đây, tại các bệnh viện (BV) trên cả nước ghi nhận nhiều trường hợp mắc các bệnh liên quan đến thời tiết, nhất là trẻ nhỏ và người già.

Số bệnh nhi đến khám, điều trị tại BV Nhi Trung ương trong những ngày qua gia tăng
Số bệnh nhi đến khám, điều trị tại BV Nhi Trung ương trong những ngày qua gia tăng

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, số bệnh nhi đến khám, điều trị tại BV Nhi Trung ương trong những ngày qua gia tăng. Hiện, Khoa Khám bệnh của BV tiếp nhận trung bình khoảng 3.500-4.500 bệnh nhi/ngày. Ngoài những bệnh mạn tính, cấp tính, trong thời tiết nồm, ẩm như hiện nay, bệnh nhân đến khám, điều trị 3 bệnh chính, đặc trưng theo mùa, đó là bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa và về da.

Có mặt tại Khoa Khám bệnh, BV Nhi Trung ương từ sớm, bà N.T. H. (Thái Nguyên) cho biết, bà cùng con trai đưa cháu nội 4 tuổi đi khám do có biểu hiện ho, chảy mũi từ trước Tết. Dù trước đó, gia đình đã cho cháu đi khám, điều trị, uống hai đợt thuốc với các loại kháng sinh, tiêu đờm, siro… của 2 bác sĩ ở Thái Nguyên nhưng cháu không có biến chuyển. Nay, gia đình cho cháu đi khám để điều trị  bệnh dứt điểm.

Hiện, Khoa Khám bệnh của BV Nhi Trung ương tiếp nhận trung bình khoảng 3.500-4.500 bệnh nhi/ngày.
Hiện, Khoa Khám bệnh của BV Nhi Trung ương tiếp nhận trung bình khoảng 3.500-4.500 bệnh nhi/ngày.

Sốt ruột đứng chờ con ở phòng khám tiêu hóa, anh B.M.H. (Hòa Bình) cho biết, con trai 12 tháng tuổi bị nôn trớ suốt trong gần 1 tuần qua chưa biết nguyên nhân do đâu, lo lắng cho sức khỏe của con nên vợ chồng anh đưa con đến viện khám và làm các xét nghiệm.

Vừa bế cậu con trai 7 tháng tuổi, chị N.T.V. (Ba Vì, Hà Nội) vừa hồi hộp, lo lắng cho biết, con trai bị viêm phế quản phổi, tai con bị chảy mủ, nằm viện đã được 1 tuần. Trước đó, con nhập viện trong tình trạng sốt cao từ 39 độ C đến 41 độ C liên tục trong 3 ngày. Sau 1 tuần điều trị, tình trạng của con đã ổn định hơn, nay con khám lại để chuẩn bị ra viện.

Ngoài những bệnh mạn tính, cấp tính, trong thời tiết nồm, ẩm như hiện nay, bệnh nhân đến khám, điều trị 3 bệnh chính, đặc trưng theo mùa, đó là bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa và về da.
Ngoài những bệnh mạn tính, cấp tính, trong thời tiết nồm, ẩm như hiện nay, bệnh nhân đến khám, điều trị 3 bệnh chính, đặc trưng theo mùa, đó là bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa và về da.

Sốt ruột hơn khi vợ chồng chị N.T.L. (Thái Bình) có 2 con nhỏ bị viêm tai giữa, ứ mủ, ho kéo dài dai dẳng… Chị L. cho biết, 2 bé ở nhà có biểu hiện sổ mũi nhiều, dù mẹ đã cho con đi khám ở phòng khám ở quê, đồng thời, mẹ vệ sinh mũi cho con, nhưng tình trạng bệnh của con không đỡ. Con sốt li bì, sau khi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, vợ chồng chị mới tá hỏa 2 con bị viêm tai giữa, ứ mủ. Đáng nói, bé trai 1 tuổi của chị có biểu hiện bệnh kéo dài suốt khoảng 3 tháng nay. “Thông thường con hay bị viêm mũi trước, chảy nước mũi, có thể do tôi vệ sinh chưa đúng cách  nên con bị viêm tai giữa. Cách đây 5 ngày, tôi cũng mới cho con đi khám nhưng tình trạng sức khỏe của con gái và con trai không đỡ nên vợ chồng cho con đi khám lại. Từ đầu mùa Đông đến nay, đây là lần thứ 5 con trai có biểu hiện bệnh tái phát lại” – chị L. chia sẻ.

TS Nguyễn Thị Mai Hoàn – Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa, BV Nhi Trung ương cho biết, do thời tiết thay đổi nên lượng bệnh nhân đến khám tăng lên hơn so với thời điểm trong Tết, tăng khoảng 20-30% so với đợt hậu Covid-19…
TS Nguyễn Thị Mai Hoàn – Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa, BV Nhi Trung ương cho biết, do thời tiết thay đổi nên lượng bệnh nhân đến khám tăng lên hơn so với thời điểm trong Tết, tăng khoảng 20-30% so với đợt hậu Covid-19…

TS Nguyễn Thị Mai Hoàn – Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa, BV Nhi Trung ương cho biết, vừa qua là Tết Nguyên đán, lượng bệnh nhân đến khám giảm hơn. Tuy nhiên, 1-2 tuần trở lại đây, do thời tiết thay đổi, nồm ẩm, độ ẩm tăng cao là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển, tăng lên, dễ lây lan qua đường hô hấp. Do đó, những bệnh cấp tính hay một số bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh lý về da cũng tăng lên đột biến trong thời tiết này. Ngoài ra, còn một số bệnh về virus, sốt virus…

Theo TS Nguyễn Thị Mai Hoàn, do thời tiết thay đổi nên lượng bệnh nhân đến khám cũng tăng lên hơn so với thời điểm trong Tết, tăng khoảng 20-30 % so với đợt hậu Covid-19… Sau Tết, trung bình mỗi phòng khám đón tiếp khoảng 30-40 bệnh nhân/ngày, không tăng nhiều như bình thường, chủ yếu khám những bệnh theo mùa. Còn những bệnh mạn tính lúc nào bệnh viện cũng đông bệnh nhân.  “Thực tế, sau đại dịch Covid-19 hay sau một số dịch bệnh khác, do công tác tuyên truyền về dịch bệnh đến người dân có nhiều chuyển biến tích cực nên các gia đình đã ý thức được và quan tâm đến sức khỏe của con cái nhiều hơn. Do đó, thời gian gần đây, lượng bệnh nhân đến khám không có trường hợp bệnh nặng do chủ quan hay phát hiện muộn, tỷ lệ bệnh nặng giảm đi rất nhiều” - TS Nguyễn Thị Mai Hoàn cho hay.

TS Nguyễn Thị Mai Hoàn lưu ý, với những gia đình có trẻ nhỏ, đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mà hai trẻ gần nhau cùng chung một môi trường rất dễ lây nhiễm chéo.
TS Nguyễn Thị Mai Hoàn lưu ý, với những gia đình có trẻ nhỏ, đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mà hai trẻ gần nhau cùng chung một môi trường rất dễ lây nhiễm chéo.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Mai Hoàn lưu ý, với những gia đình có trẻ nhỏ, đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mà hai trẻ gần nhau cùng chung một môi trường rất dễ lây nhiễm chéo do thời tiết thay đổi, nồm ẩm như hiện nay, các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng chủ yếu lây lan qua đường hô hấp. Do đó, một trong những biện pháp được các bác sĩ tư vấn, khuyến cáo, gia đình có thể cách ly trẻ nơi đông người hoặc trong gia đình có những người mắc bệnh về đường hô hấp, phải tránh, đề phòng, vệ sinh thân thể…

Cách phòng tránh, bảo vệ sức khỏe trong mùa nồm ẩm

Tương tự, theo thống kê tại khoa Nhi, BV Bạch Mai, những ngày gần đây, số bệnh nhi đến khám tuy không tăng đột biến so với ngày thường, nhưng chủ yếu tập trung vào nhóm bệnh viêm phổi, tiểu phế quản, hen.

TS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai cho hay, trẻ em là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng sức khoẻ do thời tiết nhất. Khi thay đổi thời tiết, trời lạnh quá hay nồm ẩm như hiện nay trẻ em do sức đề kháng kém rất dễ ốm, đặc biệt là những trẻ có cơ địa dị ứng với thời tiết. Với những trường hợp nặng sẽ buộc phải nhập viện điều trị, còn những trường hợp nhẹ, trẻ không cần thiết phải nhập viện mà sẽ được bác sĩ hướng dẫn theo dõi, điều trị tại nhà. Nền nhiệt độ ẩm thấp tạo điều kiện cho các virus gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, rubella phát triển gây bệnh...

Người dân làm thủ tục tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Người dân làm thủ tục tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

TS Nguyễn Thành Nam cảnh báo, trẻ khi mắc bệnh nếu không điều trị sớm, virus vào phổi có thể gây suy hô hấp rất nhanh. Các nấm mốc rất phát triển khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu... khiến nhiều người rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp gây bộc phát cơn hen suyễn. Đặc biệt với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết này do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát.

“Trong tiết trời nồm ẩm, thực phẩm, thức ăn nếu không bảo quản đúng cách cũng dễ bị ôi thiu, khi trẻ ăn phải sẽ gặp các rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy... Trời nồm, trẻ có thể ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, khó ngủ hơn, nên sức đề kháng cũng kém hơn và dễ ốm. Vì vậy, các phụ huynh cần để ý để lau mồ hôi cho trẻ kịp thời và mặc đồ thoáng mát, tránh tình trạng ủ ấm quá trẻ sẽ ra nhiều mồ hôi và thấm ngược lại vào cơ thể gây viêm phổi. Do đó, với trẻ nhỏ, vào ban đêm trẻ hay ra mồ hôi, cha mẹ cần chuẩn bị có sẵn vài chiếc khăn mềm thấm nước lau mồ hôi vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân. Ngoài ra, các phụ huynh thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ tránh tình trạng để bệnh nặng lên phải nhập viện” - TS Nguyễn Thành Nam khuyến cáo.

TS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai cho hay, trẻ em là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng sức khoẻ do thời tiết nhất.
TS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai cho hay, trẻ em là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng sức khoẻ do thời tiết nhất.

Thời tiết Hà Nội đang trong những ngày nồm ẩm, mưa phùn, kéo dài khiến nhiều người già và người có bệnh nền khó thích nghi, dễ mắc các bệnh cấp tính về đường hô hấp.  Ghi nhận ở nhiều BV trên cả nước, sau Tết, số người cao tuổi đi khám và nhập viện tăng cao so với trước Tết. Lý giải nguyên nhân, các bác sĩ cho biết, lối sống sinh hoạt thay đổi dịp nghỉ lễ, tiêu thụ nhiều thực phẩm ngọt, chứa nhiều chất béo, tinh bột, trời trở lạnh kéo dài khiến người cao tuổi, đặc biệt là người có bệnh mạn tính trở nặng. Đặc biệt, thời tiết giá rét, lạnh sâu, sau đó mưa nồm ẩm khiến nhiều người già mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch, tiêu hóa.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh các biến chứng và thay đổi bất thường có thể xảy ra trong thời tiết hiện nay, người cao tuổi có các bệnh lý mạn tính nên sử dụng thuốc đều đặn, giữ ấm cơ thể và chú ý chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Thời tiết Hà Nội đang trong những ngày nồm ẩm, mưa phùn, kéo dài khiến nhiều người già và người có bệnh nền khó thích nghi, dễ mắc các bệnh cấp tính về đường hô hấp.
Thời tiết Hà Nội đang trong những ngày nồm ẩm, mưa phùn, kéo dài khiến nhiều người già và người có bệnh nền khó thích nghi, dễ mắc các bệnh cấp tính về đường hô hấp.

Cũng theo các chuyên gia, trong thời điểm này, do môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn phát triển nên những trẻ nhỏ có cơ địa kích ứng, dị ứng thường bị những bệnh về da, viêm da cơ địa, phát ban, sẩn ngứa cũng tăng lên song song đồng hành với những bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Do đó, bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh các bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ trong mùa nồm ẩm, đầu tiên, cha mẹ phải tiêm phòng đầy đủ cho con, theo đúng lịch tiêm phòng về nhiễm virus cúm, đường hô hấp…

Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường rất quan trọng. Môi trường phải trong lành, sạch sẽ, nhất là với thời tiết nồm ẩm như hiện nay, nhà phải thoáng khí. Để thoáng khí trong môi trường nồm ẩm không có nghĩa là cứ mở toang cửa ra. Chúng ta nên đóng kín các cửa sổ để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Tránh phơi những đồ ẩm ướt trong nhà, thường xuyên lau sàn nhà bằng khăn khô. Bên cạnh đó, bố mẹ thường xuyên vệ sinh thân thể, vệ sinh cá nhân cho trẻ. Đặc biệt, những đồ dùng, đồ chơi của trẻ là môi trường để vi khuẩn, nấm mốc, virus phát triển và dễ lây lan nên bố mẹ cũng lưu ý vệ sinh sạch sẽ.

Người lớn cho trẻ mặc đủ ấm nhưng phải thoáng khí, bởi mùa nồm ẩm này, trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm bệnh. Do hệ miễn dịch của trẻ kém hơn người lớn, rất dễ mắc bệnh nên tránh cho trẻ tiếp xúc nơi đông người. Nếu ra ngoài, tiếp xúc nơi đông người, phải cho trẻ đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, bố mẹ cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin giúp tăng hệ miễn dịch của trẻ. Nếu bố mẹ phát hiện những dấu hiệu bất thường của trẻ, cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế, nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và có thể khám lại theo đúng hẹn. Đây là những yêu cầu cần thiết để tránh cho trẻ khỏi lây lan bệnh tật hoặc tránh bệnh có thể tăng nặng trong mùa nồm ẩm.

 

Vào mùa nồm, sốt virus cũng thường có dấu hiệu bùng phát mạnh nên mọi người cần có biện pháp đề phòng. Ngoài các bệnh liên quan đến đường hô hấp, thời tiết nồm ẩm cũng dễ gây những bệnh lý về đường tiêu hóa như bệnh tiêu chảy do vi khuẩn, nấm phát triển mạnh trong đồ ăn, thức uống. Ngoài ra, những bệnh như virus rota, bệnh sởi, thủy đậu, viêm da cũng là những loại bệnh dễ lây lan và xuất hiện nhiều vào thời điểm này. Việc chủ động giữ ấm cho trẻ để phòng bệnh là điều các gia đình cần quan tâm. Theo đó, khi đưa trẻ đi ra ngoài trời, hoặc đi tiêm chủng, phải cho bé mặc quần áo đủ ấm, đi tất, đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm. Tránh để trẻ nhiễm lạnh dẫn đến bị ốm, mắc các bệnh như cảm, cúm, viêm phế quản, viêm phổi...

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế