Gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Trong mỗi gia đình, yếu tố tạo nên sự bền vững đó chính là sự gắn kết về huyết thống, tình cảm, trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình. Sự gắn kết ấy bền chặt bao nhiêu thì ắt sẽ tạo nên tình yêu thương, sự đồng cảm, thấu hiểu giữa các thành viên bấy nhiêu. Tuy nhiên ngày nay, do tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, tích cực và tiêu cực đã và đang khiến cho sự gắn kết gia đình trở nên lỏng lẻo, đặc biệt nhiều vụ việc bạo lực gia đình đã xảy ra.
Ngày 26/4/2022, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh xử phạt Nguyễn Ngọc Đức (40 tuổi, trú tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) 8 năm tù giam về tội “Giết người”. Nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ những bạo lực dai dẳng mà Đức gây ra cho vợ và con. Gần đây nhất, dư luận liên tục rúng động trước thông tin bé gái Đ.N.A. (3 tuổi, trú tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất) bị người tình của mẹ hành hạ bằng các thủ đoạn như cho uống thuốc trừ sâu, bắt nuốt đinh ốc vít, đánh gãy tay, đóng 10 cái đinh vào đầu dẫn đến tử vong. Khi nỗi đau chưa kịp lắng xuống thì lại xảy ra những vụ bố, mẹ đẻ ném con xuống sông…
Theo điều tra xã hội học của Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), 100 hộ thì có 30 hộ cho biết trong gia đình họ có xảy ra bạo lực, trung bình mỗi năm xảy ra 36.534 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Từ những vụ án đau thương đó, đặt ra một vấn đề xã hội hệ trọng là phải làm sao để khôi phục truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam, đó là xây dựng gia phong, gia đạo, nề nếp, ông bà cha mẹ nêu gương, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận.
Hai năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều gia đình chịu thiệt hại về kinh tế, gia tăng mâu thuẫn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Áp lực kinh tế đè nặng lên tâm lý người vợ, người chồng… khiến các vụ việc bạo lực tăng lên. Song, mặt nào đó dịch bệnh cũng đã tạo nên những khoảng lặng để mỗi cá nhân ngẫm lại cách sống của mình.
Không ít người đã lên tiếng và chợt nhớ ra những giá trị trân quý của gia đình, đó là sức khỏe, sự bình an và hạnh phúc của mỗi thành viên. Bởi, không ít gia đình đã phải chịu cảnh chia xa trong một thời gian dài do có bố, mẹ, con tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh.
Nhiều người vợ, người mẹ sẵn sàng tạm gác niềm vui, hạnh phúc, tình mẫu tử để đi vào tâm dịch, làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch. Cùng với đó, xuất hiện nhiều hình ảnh đẹp về sự chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng trong dịch bệnh, cùng nhau nỗ lực, vượt qua khó khăn với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng đại dịch.
Gửi thông điệp “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” cũng là cách tạo hiệu ứng tích cực nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình. Đồng thời thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng, kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.