Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Cụ Nguyễn Văn Tố - Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên

Nguyễn Minh Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cụ Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947) với uy tín của một nhân sĩ yêu nước, cụ đã trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa I. Tại Kỳ họp thứ nhất, cụ Nguyễn Văn Tố được bầu giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội), Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến cho đến lúc hy sinh. Cụ Nguyễn Văn Tố là một nhân cách lớn, “một bậc hiền”, có đủ Nhân - Trí - Dũng như lời nhận xét của Luật sư, đại biểu Quốc hội Khóa I Vũ Đình Hòe.

Kỳ 1: Từ Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ trở thành Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội
Cụ Nguyễn Văn Tố là một học giả uyên bác, từng là Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ người có công lớn trong việc xóa nạn mù chữ ở Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám, với chức vụ Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ Cách mạng lâm thời, cụ đã có công lớn trong việc “chống giặc đói”.

Một học giả uyên bác

Những năm 40 của thế kỷ XX, Ứng hòe Nguyễn Văn Tố là một trong bốn nhân vật “Vĩnh, Quỳnh, Tố, Tốn” nổi tiếng về nhân cách và học vấn. Cụ không những uyên thâm Hán học mà tinh thông cả Tây học. Ngay cả với ông Nguyễn Thiện Lâu, giáo sư Trường Khải Định (Huế) có 5 bằng cử nhân KTXH, khi nhờ cụ xem bản thảo, cụ cũng gạch đỏ, ghi rõ lỗi thuộc loại nào khiến ông Lâu cũng phải tâm phục, khẩu phục. Ông Bờ gia xi ê, chuyên viên khảo cổ học người Pháp cũng phải nhờ cụ Tố sửa bài. Ông Xơ đet - Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ, khi đưa bài cho cụ, nói hẳn với cụ rằng: “Có sai, có sửa... Nếu sau này có ai chỉ trích một điều gì là lỗi tại ông đấy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố (ngoài cùng bên phải hàng dưới) và các thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời, năm 1945.
Bà Nguyễn Thành Yên, cháu ngoại cụ Tố, nhớ lại: “Cụ là người đặc biệt thông minh. Hồi nhỏ khi tôi học ngoại ngữ, cụ có thể không cần giở sách mà vẫn chỉ được từ ấy ở trang nào, dòng nào trên xuống hoặc dưới lên trong cuốn từ điển dày cộp”.

Sinh ra trong một gia đình nho học gốc Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Trường Thông ngôn, Nguyễn Văn Tố vào làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ. Từ nhân viên phụ tá, sau cụ được giữ chức chủ sự Học viện, một cơ quan nghiên cứu lịch sử, văn hóa của người Pháp ở 26 Lý Thường Kiệt. Chính tại đây, cụ đã trở thành một học giả có tên tuổi. Trên tập san của Học viện, cụ đã công bố nhiều bài viết về văn hóa Việt Nam. Ngoài giờ làm việc ở công sở, cụ Nguyễn Văn Tố tham gia viết bài in trên các báo tiếng Việt tiến bộ thời đó như Đông Thanh, Tri Tân, Thanh Nghị... và các báo tiếng Pháp. Trong khoảng thời gian từ 1932 - 1936, cụ đã viết nhiều bài nghiên cứu quan trọng bằng tiếng Pháp về lịch sử, khảo cổ học, văn học đăng trên tập san của Hội Trí tri. Trong quá trình tìm tài liệu cho bài viết, đọc lại Tạp chí Tri Tân đã ố vàng, chúng tôi thực sự kinh ngạc về sức viết của học giả Nguyễn Văn Tố. Mặc dù chỉ là trợ bút của tạp chí nhưng để thực hiện mục đích khơi dậy tinh thần yêu nước, cụ đã dồn tâm lực cho các chuyên mục của Tạp chí Tri Tân. Từ số 1 đến số 212 của Tạp chí Tri Tân, cụ Nguyễn Văn Tố đều có bài đăng, thậm chí ở nhiều số có đến 2 - 3 bài. Các bài nghiên cứu của cụ được viết công phu, đăng thành nhiều kỳ mà tiêu biểu: Đại Nam dật sử, Sử ta so với sử tàu, Việt Nam văn học sử, Tài liệu để đính chính những bài văn cổ, Tra nghĩa chữ Nho, Bia Văn Miếu: Những ông Nghè triều Lê, Tích thành Đại la... Các công trình nghiên cứu của cụ đã được công bố liên quan đến nhiều lĩnh vực văn học, lịch sử, khảo cổ, kiến trúc... thường mang tính chất khai mở, đặt nền móng đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Năm 1938, Hội Truyền bá quốc ngữ ra đời nhằm chống lại chính sách ngu dân cố hữu, ngoan cố của chính phủ thuộc địa, cụ Nguyễn Văn Tố được bầu làm Hội trưởng. Mục đích của Hội truyền bá quốc ngữ: “Dạy cho người Việt Nam biết đọc, biết viết và giúp cho họ thâu thái những kiến văn thường thức cần cho cuộc sống mới”. Chỉ sau 6 năm hoạt động, riêng ở Bắc kỳ, hội đã thành lập được 20 chi nhánh, xóa mù chữ cho trên 5 vạn người. Kết quả quan trọng ấy công đầu thuộc về cụ Hội trưởng Nguyễn Văn Tố.

Vị bộ trưởng tận lực cứu đói

Trong ký ức của nhiều người, cụ Nguyễn Văn Tố quanh năm khăn xếp áo the và chuyên đời đi bộ. Nhiều người gọi cụ là ông “phán men” - chuyên đi men ở vỉa hè. Bà Nguyễn Thành Yên nhớ lại: “Cụ thường đi bộ từ nhà ở phố Bát Đàn đến công sở, tháng này qua năm khác đều đặn”. Chính con người thông tỏ Tây học nhưng giữ cho mình một cốt cách dân tộc ấy từ trước cách mạng đã hết lòng chăm lo xóa nạn mù chữ và nâng cao dân trí cho những người lao động nghèo. Chính vì vậy, cũng rất tự nhiên, cụ đã đến với Cách mạng tháng Tám, được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời.

Từ một học giả suốt ngày đèn sách, nghiên cứu, cụ đã hòa vào dòng chảy của cách mạng, hòa vào đời sống của Nhân dân, tích cực tiểu trừ giặc đói. Có thể nói, cụ chính là thành viên tích cực nhất, là người chịu trách nhiệm chính trong việc phát động phong trào quyên góp gạo, huy động vật lực để cứu đói. “Ngày 8/10/1945, báo cáo của ông Tố: Bắt đầu từ mồng 10 này, Bộ Cứu tế sẽ cho đi thu gạo để giúp dân đói. Cứ 10 ngày, 1 người sẽ cho 1 bơ gạo”; 15/11/1945: “Vấn đề cứu tế ông Tố mới đi Nam Định, Thái Bình trở về. Tỉnh Thái Bình cần rất nhiều gạo. Ở Nam Định đã bắt đầu thi hành việc tăng gia sản xuất” (Trích biên bản các phiên họp của Hội đồng Chính phủ - Nguồn dự trữ Quốc gia III). Để lo gạo cho dân, cụ đã phải lặn lội khắp các làng, xã tại một số tỉnh của Bắc kỳ để vận động quyên góp gạo cứu đói. Đầu năm 1947, khi là Bộ trưởng không bộ, cụ Nguyễn Văn Tố có một chuyến đi làm việc tại Hà Đông để quyên góp gạo cứu đói cho Hà Nội.
Trong báo cáo gửi Hồ Chủ tịch đề ngày 6/1/1947, cụ Nguyễn Văn Tố viết: “Từ thứ Năm mồng 2/1/1947 đến chủ Nhật 5/1/1947 tôi đi phủ Hoài Đức, cách tỉnh lỵ 9 cây số, rồi từ đấy đi các làng xung quanh... Tôi đi đến tận nơi để “dân gian được yên lòng... Nếu không đi hết (vì toàn phải đi bộ) tôi sẽ đi phủ Hoài Đức một lần nữa cho hết 58 liên xã (kể cả thôn thì hết 100)”...

Từ một học giả, một nhân sĩ yêu nước trở thành Bộ trưởng trong Chính phủ cách mạng, cụ Nguyễn Văn Tố đã dồn tâm lực của mình cho những ngày đầu khó khăn khi mới giành được chính quyền. Trước và sau cách mạng, cụ đều có công lớn trong việc diệt “giặc đói, giặc dốt”, chuẩn bị nguồn lực để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống thực dân pháp đang cận kề. Cụ Nguyễn Văn Tố chính là vị Bộ trưởng liệt sĩ đầu tiên đã hy sinh trong cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp.

Kỳ 2: Nhân, Trí, Dũng - một bậc hiền nhân