Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương), sau dời đến làng Nhị Khê (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ông là người luôn coi Nhân dân là gốc rễ của mọi vấn đề. Trong bài Quan hải ông viết: Phúc chu thủy tín dân do thủy (dịch nghĩa: Thuyền có bị lật mới biết rằng dân chẳng khác gì nước). Tư tưởng vì dân, coi dân là gốc rễ của ông xuyên suốt mọi vấn đề, trong đó có âm nhạc.
Hòa bình là gốc của nhạc
Vua Lê Thái Tông lên ngôi khi đất nước nói chung bước vào thời kỳ ổn định. Đây là thời kỳ ưu tiên cho việc phát triển kinh tế, sửa sang những định chế xã hội. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết lúc này vua: “Sai hành khiển Nguyễn Trãi cùng với Lỗ bộ ty giám là Lương Đăng đốc làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc và múa”.
Sách sử không nói nhiều đến chuyện hai ông tiến hành việc vua giao như thế nào nhưng nói chung công việc chưa hoàn thành thì Nguyễn Trãi xin ngưng vì không cùng chung sở kiến với Lương Đăng. Đọc sách sử thấy bàn về mâu thuẫn này, có nói đến việc Nguyễn Trãi và Lương Đăng hiểu về cách chế tạo nhạc khí lớn nhỏ không giống nhau, cách tấu cũng không giống nhau…
Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Lỗ bộ ty đồng giám kiêm trì điển nhạc sự là Lương Đăng dâng nhạc mới, bắt chước quy chế nhà Minh mà làm. Trước Đăng và Nguyễn Trãi vâng mệnh định nhã nhạc. Nhạc ở trên đường có 8 thứ tiếng, như trống treo lớn, khánh chùm, chuông chùm, đàn cầm, đàn sắt, kèn, sáo, quản, thược, chúc, ngữ, huân, trì, v.v… Nhạc ở dưới đường thì có phương hưởng treo, không hầu, đàn tì bà, trống, quản, địch, v.v…” (Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, trang 570, NXB Văn học, năm 2009).
Nếu dừng sự việc ở đây, chúng ta chỉ thấy Nguyễn Trãi (và một số quan đại thần) không có cùng sở kiến với hoạn quan Lương Đăng và đã tâu rõ nhưng sai sót của Lương Đăng trong việc định lễ nhạc, một việc cực kỳ: “Đặt lễ làm nhạc, tất phải đợi có người mới làm được, được như Chu Công thì mới không có ai chê trách. Nay sai kẻ hoạn quan Lương Đăng một mình định lễ nhạc cả nước chẳng nhục lắm ư?
Vả lại lễ nhạc của y là dối vua lừa dưới, không bằng cứ vào đâu, như trước kia, đánh trống là báo giờ ra chầu buổi sớm, nay nhà vua ra chầu rồi mới đánh trống. Theo quy chế xưa, lúc vua ra, bên tả đánh chuông hoàng chung, rồi năm chuông bên hữu ứng theo; lúc vua vào, đánh chuông di tân, rồi năm chuông cùng ứng theo.
Nay vua ra ra chầu, đánh 108 tiếng chuông, đó là số nhà sư lần tràng hạt. Theo quy chế thì vua ngồi ở cửa Phụng Thiên phải có sập vàng, ở điện Phụng Thiên phải có ngai báu, nay chỉ có một điện Hội Anh, lại chỉ có sập vàng, thế là lễ nghi gì?”…
Điều quan trọng hơn là về âm nhạc, Nguyễn Trãi có quan niệm, minh triết và không bao giờ lạc hậu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết khi Nguyễn Trãi dân biểu vẽ khánh đá và tâu với vua rằng: “Kể ra, thời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được.
Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không làm hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảnh thanh luật khó được hòa hài. Xin bệ hạ yêu nuôi Nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc” (Sđd, trang 563).
Giáo sư Trần Văn Khê nhận xét về quan niệm âm nhạc của Nguyễn Trãi: “Đoạn vừa kể trên chứng tỏ rằng cụ Nguyễn Trãi đã có học lý thuyết về âm nhạc, nhưng lại có một tư tưởng rất mới là trong âm nhạc có nội dung mà cụ gọi là gốc của âm nhạc và hình thức mà cụ gọi là văn của âm nhạc.
Theo cụ, cái văn không quan trọng bằng cái gốc và cái gốc xuất phát từ Nhân dân. Nếu quốc thái dân an, Nhân dân được sống một đời đầy đủ, hưởng tình thương lo của nhà vua thì tiếng nhạc vui tươi. Nếu Nhân dân bị thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, cất tiếng ta thán, tiếng nhạc sẽ bi ai và cụ cho rằng như thế đã mất gốc của âm nhạc. Trong lịch sử chính trị và văn hóa nước ta chưa người nào đưa ra những ý kiến sâu sắc về âm nhạc như vậy”.
Quan niệm về âm nhạc của Nguyễn Trãi là quan niệm bất hủ, đúng ở bất kỳ thời đại nào, dân tộc nào.
Vì dân, vì nước
Quan điểm về âm nhạc của Nguyễn Trãi: “Hòa bình là gốc của nhạc” không chỉ dừng ở quan niệm, lý thuyết. Cả cuộc đời với việc tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và sau đó là lúc làm quan hay ở ẩn của ông đã minh chứng cho điều này. Ngay từ thời kỳ chưa theo giúp Lê Lợi, Nguyễn Trãi khi đang lánh nạn (có thuyết cho rằng ông bị giam lỏng ở Đông Quan) luôn đau đáu về cội nguồn, tổ tiên, quê hương, đất nước.
Trong bài Quy Côn Sơn chu trung tác ông viết: “Thập niên phiêu chuyển thán bồng bình/Quy tứ dao dao nhật tự tinh/Kỷ thác mộng hồn tầm cố lý/Không tương quyết lệ tẩy tiên oanh/Binh dư cân phủ ta nan cấm/Khách lý giang sơn chỉ thử tình/Uất uất thốn hoài vô nại xứ/ Thuyền song thôi chẩm đáo thiên minh”.
Đào Duy Anh dịch thơ: “Mười năm xiêu dạt ngán bình bồng/Nỗi nhớ như cờ chẳng ngớt rung/Quê quán hằng đem hồn gởi mộng/Mả mồ suông rưới lệ pha hồng/Thời loạn họa khó ngăn rìu búa/Dặm khách tình này chỉ núi sông/Uất uất tấc lòng đành thế vậy/Cửa bồng xô gối đến hừng đông” (Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, 1976).
Trong Bình Ngô đại cáo, ngay câu đầu tiên Nguyễn Trãi cũng đã viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Quan trọng hơn cả, chính cuộc đời của Nguyễn Trãi, rõ nét nhất là từ lúc yết kiến Lê Lợi ở Lỗi Giang, dâng Bình Ngô sách, cho đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hoàn toàn thắng lợi, chứng tỏ sự hết lòng vì dân, vì nước.
Để nói thứ thanh âm mà Nguyễn Trãi mong muốn, xin đọc vài đoạn trong Côn Sơn ca của ông: "Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai/ Côn Sơn có đá rêu phơi/Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm/Trong ghềnh thông mọc như nêm/Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm/Trong rừng có bóng trúc râm/Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn".
Bài thơ miêu tả con người và thiên nhiên hữu tình hòa hợp, êm đềm và đó là thứ thanh âm mà Nguyễn Trãi mong muốn, chúng ta mong muốn: Hòa bình, yêu nuôi Nhân dân.
Kể ra, thời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không làm hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảnh thanh luật khó được hòa hài. Xin bệ hạ yêu nuôi Nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc. Nguyễn Trãi (Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, trang 563, NXB Văn học, năm 2009) |