Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử]Nguyễn Bỉnh Khiêm dự cảm về đời sống thị thành

PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong một bài thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: Vật vờ thành thị làm chi nữa/ Ít tiếng khen thì vắng tiếng chê (Thơ Nôm - bài 61); hay Đường lợi há theo thị tỉnh/ Cảnh thanh chiếm hết giang sơn (Thơ Nôm - bài 142). Đó là dự cảm và cũng là dự báo của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà tiên tri lỗi lạc với bao huyền thoại.

Giá trị chuẩn mực, cao nhã
Khi soạn Bạch Vân Am thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) có bài tựa đề cao lối thơ ngôn chí, chuyển tải đạo lý và hệ thống chủ đề tương ứng: “Ôi, nói tâm là nói về cái chỗ mà chí đạt tới vậy mà thơ là để nói chí. Có kẻ chí để ở đạo đức, có kẻ chí để ở công danh, có kẻ chí để ở sự nhàn dật"…
Tương đồng với quan niệm thẩm mỹ trên, Nguyễn Bỉnh Khiêm hướng tới các bài thơ gắn với chủ đề quân quốc, tụng ca vua sáng tôi hiền, tuyên truyền đạo lý, mở mang giáo hóa, đề vịnh thiên nhiên, loài vật. Trên hết và trước hết, Nguyễn Bỉnh Khiêm hướng tới các cổ mẫu, các khuôn thước, các bậc thánh hiền và một thời thịnh trị.
Hướng tới cái đẹp chuẩn mực cao nhã, Nguyễn Bỉnh Khiêm coi trọng lối sống thanh cao, bằng lòng với sự kiệm cần, vui với thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Tâm thế “hướng tâm” khiến những bài thơ chữ Hán đề vịnh cảnh vật đất trời, núi non, sông bể cũng gánh thêm nhiệm vụ chuyển tải đạo lý, gửi gắm thái độ tự nhiệm và trách nhiệm cụ thể: Ngã kim dục triển phù nguy lực/ Vãn khước quan hà cựu đế thành (Ta nay muốn thi thố sức phù nguy/Cứu vãn lại quan hà, thành cũ của nhà vua).
Dường như trước những biến thiên dữ dội của thời cuộc, Nguyễn Bỉnh Khiêm thấy các giá trị đạo đức truyền thống bị đảo lộn, thấy con người trở nên vị kỷ hơn, vụ lợi hơn. Hơn ai hết, Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn băn khoăn, bận tâm, nói nhiều đến danh vọng, địa vị, sự giàu nghèo, tiền tài.
Ông đau đời, ông phê phán thế thái nhân tình, đạo lý suy vi: Thế gian biến cải vũng nên doi,/ Mặn lạt, chua cay lẫn ngọt bùi (Thơ Nôm - bài 71); Đời này nhân nghĩa tựa vàng mười/ Có của thì hơn hết mọi lời…/ Người, của lấy cân ta thử nhắc,/ Mới hay rằng của nặng hơn người (Thơ Nôm - bài 74…
Cũng khác với Nguyễn Trãi, cái nhìn của Nguyễn Bỉnh Khiêm có phần cách biệt với thường nhân, đứng trên tầm cao của một nhà tư tưởng, một triết nhân mà soi rọi, phê phán con người hám lợi giàu sang, khinh miệt đồng tiền: Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền (Thơ Nôm - bài 5), Thớt có tanh tao ruồi đậu đến/ Ang không mật mỡ kiến bò chi (Thơ Nôm - bài 53)… Nguyễn Bỉnh Khiêm bị dằn vặt, giằng xé trong thực tại đắng cay, bất lực trước cái xu thế nhãn tiền: Nhị kết, hoa thơm, ong đến đỗ,/ Mỡ bùi, mật ngọt, kiến nào đi? (Thơ Nôm - bài 82), Cơm áo bỗng xui người hoá quỉ,/ Oản xôi dễ khiến bụt nên ma” (Thơ Nôm - bài 93)...
Phê phán thói hám lợi và cảm nhận chốn thị thành
Cái nhìn của ông có phần cách biệt với thường nhân, đứng trên tầm cao của một nhà tư tưởng, một triết nhân mà soi rọi, phê phán con người hám lợi giàu sang, khinh miệt đồng tiền... Phần nhiều những suy tưởng triết lý được ông đúc kết, lược quy về thước đo thế sự, hệ quy chiếu kinh nghiệm thế sự. Trong một bài thơ, ông nói: Vật vờ thành thị làm chi nữa/ Ít tiếng khen thì vắng tiếng chê (Thơ Nôm - bài 61); hay Đường lợi há theo thị tỉnh/ Cảnh thanh chiếm hết giang sơn (Thơ Nôm - bài 142).

Đối lập lại, ông đề cao lối sống dân dã, thanh đạm, kiệm cần, đề cao “đạo thường”, rất mực coi trọng tinh thần “tự tại”, thực hiện sự hòa giải bằng ảo tưởng với chính mình, đắp tai cài trốc, để “lòng vô sự”: Làm chi đo đắn nhọc đua tranh (Thơ Nôm - bài 26); Dửng dưng mọi sự gác bên ngoài/ Dầu được, dầu thua, ai mặc ai (Thơ Nôm - bài 40).
Theo nhiều mức độ khác nhau, rõ ràng tâm thế “hướng tâm” trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không còn giữ được tính lý tưởng và chuẩn mực nữa. Theo thời gian, xu thế “hướng tâm” đang bắt đầu xuất hiện sự rạn nứt, manh nha dấu hiệu đi xuống, bị nghi ngờ, nghi ngại. Ngược trở lại, tâm thế “ly tâm” cũng dần định hình ngày một rõ nét. Cần chú ý rằng tính chất “ly tâm” này mới chỉ dừng lại ở mức độ sơ khởi.
Mặt khác, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đi sâu khai thác đề tài đạo lý, răn dạy đạo đức từ mức độ phổ quát đến cụ thể, chẳng hạn ở các bài Cương thường tổng quát, Răn đầy tớ thờ chủ, Khuyên nàng dâu thờ cha mẹ chồng...
Tất cả những bài thơ đó nhằm nêu cao yêu cầu “tu thân”, tu rèn đạo đức cá nhân, hướng về bảo toàn khí tiết lối “đồ nho” hơn là vươn tới hành động; bảo vệ các quan hệ đạo đức lễ nghĩa Nho giáo hơn là đi tìm lối thoát mới cho cuộc mưu sinh; bảo vệ các tín điều đạo đức xưa cũ hơn là bắt nhịp với thực tế lối sống mới đang nảy sinh; hoặc có phê phán cũng là nhằm để sửa chữa và khẳng định trật tự cũ, không nhàm khám phá, lý giải bản chất các quan hệ xã hội, không nhằm phê phán để đổi thay; đồng thời lại cự tuyệt đời sống thị thành, chối bỏ mọi sự nhập cuộc, thực hiện phê phán đồng tiền, phê phán mọi biểu hiện có tính xu thế của xã hội mà ông lược quy vào cái gọi là “thói đời”; khinh mạn lối sống giàu sang, phú quý, công danh; tự mình rút lui và bằng lòng với giá trị thanh cao tưởng tượng, một sự thanh cao “không làm gì cả” - đó là những phương diện đạo đức nho giáo căn bản ở Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Đương nhiên nó có sự hấp dẫn bởi vẻ đẹp đạo lý, cách biệt với “thói đời” - khác hẳn với cái nhìn phân tích của dòng văn học hiện thực phê phán sau này - và bộc lộ thái độ kẻ cả, đo nhìn cuộc sống theo quan niệm đạo đức nhà nho một chiều, không dễ chấp nhận những mầm mống lối sống mới, sự phát triển và đổi mới của toàn bộ đời sống tinh thần xã hội. Phải chăng đó là mối mâu thuẫn giữa nhận thức xã hội và lý tưởng, giữa khát vọng nhân văn và thực tại đời thường, giữa những tiêu chí đạo đức qui phạm và dấu hiệu cái mới đang vận động, nảy sinh?
Nguyễn Bỉnh Khiêm buộc phải trả giá cho bản tính thi sĩ và những ước vọng đầy tính ảo tưởng của mình: Ý thức bảo vệ chuẩn mực đạo đức truyền thống không đồng hành với thực tiễn đời sống xã hội đang đòi hỏi được đổi thay, phát triển. Ở đây nhiều vấn đề đạo đức có ý nghĩa tiêu biểu cho một thời kỳ mới mà đương thời Nguyễn Trãi trước đây chưa hình thành rõ nét, và chỉ thấy xuất hiện đậm đặc từ thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm; chẳng hạn các vấn đề về nội chiến phong kiến, vai trò đồng tiền, lối sống thị thành...
Và một cách không tự giác, trong khi phê phán những yếu tố khác lạ đang nảy sinh trong lòng xã hội như một xu thế tất yếu thì chính ông lại tỏ bày thái độ cản phá bước tiến của lịch sử nói chung. Từ đây có thể nói Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hiện diện như một đại thụ của văn hóa phong kiến, thiên về phê phán để khẳng định chuẩn mực đạo đức cũ, khác xa lối phê phán đồng tiền, phê phán lối sống thị thành và phê phán xã hội kiểu Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương sau này...
Nhìn trên toàn cục, có thể thấy bộ phận thơ chữ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm phân hóa mạnh hơn, “ly tâm” nhiều hơn, chứa chất tinh thần phản tư đậm hơn, giãn biên nhiều hơn, thậm chí có khi đứng ở bên lề, vượt biên, chuyển hóa thành sự đúc kết, phán xét, soi rọi, chỉ rõ bản chất: Đạo nọ, nghĩa này, trăm tiếng bướm/ Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền (Thơ Nôm - bài 5)…
Trong chiều hướng chung, thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện là tiếng nói triết lý của một thời đại đang vận động, đổi thay, cạnh tranh ngày một quyết liệt hơn giữa một bên là sự hướng tâm đạo lý và một bên là xu thế ly tâm, hướng đến đối thoại với chính quá trình phát triển lối sống thị thành và tiến bộ xã hội, qua đó khả dĩ xác lập một sự quân bình mới, một tâm thế sáng tác kiểu mới.
Trong chiều hướng chung, thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện là tiếng nói triết lý của một thời đại đang vận động, đổi thay, tranh cạnh ngày một quyết liệt hơn giữa một bên là sự hướng tâm đạo lý và một bên là xu thế ly tâm, hướng đến đối thoại với chính quá trình phát triển lối sống thị thành và tiến bộ xã hội, qua đó khả dĩ xác lập một sự quân bình mới, một tâm thế sáng tác kiểu mới.

Trong chiều hướng chung, thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện là tiếng nói triết lý của một thời đại đang vận động, đổi thay, cạnh tranh ngày một quyết liệt hơn giữa một bên là sự hướng tâm đạo lý và một bên là xu thế ly tâm, hướng đến đối thoại với chính quá trình phát triển lối sống thị thành và tiến bộ xã hội, qua đó khả dĩ xác lập một sự quân bình mới, một tâm thế sáng tác kiểu mới.