KTĐT – Tết Kỷ Sửu, ngành ngân hàng đón năm mới bằng một nhiệm vụ chưa ai làm để rồi cả năm quay cuồng với kích cầu và phòng chống tác dụng phụ của chính sách "bao cấp" bằng lãi suất này.
Kinh tế thế giới bước vào năm 2009 sau hàng chục vụ phá sản đình đám trong hệ thống tài chính ngân hàng Mỹ Âu, hàng nghìn tỷ đôla bốc hơi khỏi các thị trường chứng khoán, tình trạng thất nghiệp gia tăng, người dân khắp nơi thắt chặt chi tiêu và hoang mang về tương lai. Cuộc khủng hoảng thế kỷ cũng đẩy Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn: xuất khẩu ngưng trệ, sản xuất đình đốn vì không có đầu ra và thiếu vốn, vốn đầu tư gián tiếp tháo chạy khỏi thị trường, một số nhà đầu tư nước ngoài cũng xem xét dừng dự án đang triển khai để gom vốn về công ty mẹ ở chính quốc.
Gói kích cầu đã ra đời trong bối cảnh đó, chẳng giống chính sách kích thích kinh tế của bất cứ nước nào và cũng chưa có tiền lệ tại Việt Nam. “Hai phương án được đưa ra, một là tập trung đầu tư một số công trình lớn làm động lực kích thích các ngành phụ trở phát triển – giống cách làm của Trung Quốc. Và hai là chỉ hỗ trợ một số khu vực chẳng hạn doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì lúc đó anh Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa ra những con số bi quan như 20% phá sản, 60% khó khăn và chỉ 20% còn lại có thể trụ vững”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhớ lại.
Nhiệm vụ trọng tâm đặt vào vai ngành ngân hàng, cả 3 bộ trưởng (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước) đều vào cuộc để xử lý. Tất cả đều xác định cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế trên thế giới đang diễn ra vô cùng phức tạp và tác động rất xấu đến Việt Nam.
Chiều thứ bảy, 17/1/2009, tức 22 tháng chạp âm lịch, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước tính toán phương án cụ thể. Ngay tối hôm đó, Thống đốc Giàu triệu tập đủ bộ máy lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và họp tới 10h đêm. Có người gợi ý giảm lãi suất tái cấp vốn cho ngân hàng để nguồn tiền này hòa chung với vốn ngân hàng đã huy động và cho ra mặt bằng lãi suất phù hợp, giảm áp lực chi phí đầu vào cho khách vay vốn.
Nhưng thật khó khăn để lựa chọn phương án cụ thể vì nếu tính toán không cẩn thận và làm đề án chặt chẽ, có thể ảnh hưởng xấu tới toàn hệ thống và con người trong ngành ngân hàng. “Ở đâu cũng thế thôi, có bao cấp là có tiêu cực”, ngay lúc đó Thống đốc và nhiều chuyên gia trong ngành đã mường tượng tới nhưng hệ lụy phát sinh từ gói kích cầu.
Hai ngày sau, Vụ Chính sách Tiền tệ đã phác thảo xong “bộ khung” và trình lên phương án kích thích kinh tế bằng cách hỗ trợ lãi suất, giải ngân qua hệ thống ngân hàng. Gói giải pháp này được ngành ngân hàng đánh giá có nhiều ưu điểm, không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn gắn với lợi ích và trách nhiệm của từng ngân hàng thương mại. Vốn được giải ngân theo cơ chế thông thường, phần hỗ trợ lãi suất 4% từ ngân sách được trả lại ngân hàng sau khi đã cấp bù cho doanh nghiệp.
Mặc nhiên, ngân hàng thương mại được lợi vì gói hỗ trợ lãi suất sẽ kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và ngân hàng bớt áp lực cân đối chi phí đầu vào với lãi suất đầu ra. Nếu làm tốt, cả vốn lẫn lãi của ngân hàng vẫn được bảo toàn, tín dụng được khơi thông, điều mà không một hệ thống ngân hàng của quốc gia nào tại thời điểm đó làm được.
Tính toán rất căng thẳng và lường trước các tác dụng phụ, Ngân hàng Nhà nước thống nhất lựa chọn phương án này để trình Chính phủ và được thông qua ngày 23/1, tức 28 Tết Kỷ Sửu. 18h20 chiều hôm đó, toàn bộ thông tin về chính sách hỗ trợ lãi suất được công bố trên website Ngân hàng Nhà nước.
“Tự đặt mình vào địa vị một ông chủ doanh nghiệp, nếu khó khăn như vậy thì các phương án làm ăn sẽ như thế nào? Mà bất kỳ phương án nào cũng liên quan đến việc làm của người lao động. Nếu xếp xó nhà xưởng, máy móc thì liệu người lao động có công ăn việc làm? Rồi tâm lý của người lao động khi biết mình ăn Tết xong sẽ thất nghiệp, thử hỏi, cái Tết đó có ấm cúng, có còn dư vị của ba ngày Tết?”, nghĩ như vậy, Thống đốc và các cán bộ Ngân hàng Nhà nước xác định làm việc quên Tết để có thể sớm đưa chính sách vào triển khai.
Với thông tư hướng dẫn vừa được ban hành, cả ngành ngân hàng lao vào thực hiện ngay khi đi làm trở lại sau Tết. Ngân hàng lớn thì đăng ký giải ngân cả trăm nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, ngân hàng bé cũng ngót nghét chục nghìn, nhà nhà đua nhau tổ chức chương trình tập huấn khách hàng, ai nấy đều hăm hở, náo nức như tham gia phong trào thời chiến. Kinh phí của cả chương trình - 17.000 tỷ đồng theo kế hoạch được trích từ dự trữ ngoại hối quốc gia và dự kiến cho ra khoảng 420.000 tỷ đồng vốn vay hỗ trợ lãi suất. Ngay tháng 2, tháng đầu tiên triển khai chương trình, hơn 93.000 tỷ đồng đã được giải ngân. Đến hết tháng 3, con số này tăng thêm gấp đôi.
Gói kích thích tổng trị giá 8 tỷ USD, trong đó hỗ trợ 4% lãi suất là một phần quan trọng, đã giúp vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh đang trong tình trạng suy giảm. Sản xuất công nghiệp ổn định trở lại và tăng 2,1% vào cuối quý I, sau khi giảm tới 4,4% trong tháng đầu năm 2009. GDP tăng trưởng 3,1% trong quý I và có khả năng tăng dần trong các tháng tiếp theo. Sức tiêu thụ trong nước dần phục hồi, thị trường chứng khoán và bất động sản cũng phát những tín hiệu tích cực. Hầu hết doanh nghiệp khó khăn đã khôi phục hoạt động sản xuất, thu hút lao động trở lại làm việc.
Tuy nhiên, khi những đồng vốn kích cầu bắt đầu ngấm vào nền kinh tế, cũng là lúc các tác dụng phụ của liều thuốc này xuất hiện. Dư luận bắt đầu lo ngại về chuyện vốn kích cầu đến không đúng địa chỉ, thậm chí làm thị trường chứng khoán và bất động sản sốt ảo.
Sức ép tăng trưởng tín dụng bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng 6 đầu tháng 7. Theo kế hoạch đầu năm, nếu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5% thì tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 21-23% là vừa. Nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm, lượng vốn cho vay ra đã tăng 17,01% so với cuối năm 2008 và tiếp tục tăng thêm 2,15% trong tháng 7. Các tháng tiếp theo, lượng vốn mà hệ thống ngân hàng cho vay với nền kinh tế luôn cao hơn vốn huy động được.
Tỷ giá cũng là vấn đề đau đầu. Chính sách hỗ trợ lãi suất chỉ áp dụng với vốn vay tiền đồng, vì thế đã nảy sinh tâm lý ngại vay đôla. Doanh nghiệp nếu có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ thì quyết mua đôla để trả đối tác, chứ không vay ngân hàng. Thậm chí có tình trạng vay tiền đồng để gom đôla. Hệ thống ngân hàng lâm vào cảnh dư thừa đôla cho vay nhưng không có để bán. Tỷ giá chợ đen được dịp leo thang, ngay trong ngân hàng cũng xuất hiện tình trạng hai giá, niêm yết một đàng, bán một nẻo. Các cơn sốt giá vàng càng khiến thị trường ngoại tệ thêm căng thẳng, khi giới đầu cơ gom đôla nhập lậu vàng. Một quan chức cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước tâm sự, cả năm 2009 không ngày nào không bạc mặt, bạc đầu vì tỷ giá.
“Khi mới triển khai gói kích cầu, tôi lo lắm, vì thế giới chưa ai làm, hơn nữa lại kéo cả hệ thống ngân hàng tham gia. Và nó còn liên quan nhiều đến yếu tố đạo đức nữa”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu hồi tưởng những ngày đầu triển khai gói hỗ trợ lãi suất. Nhưng ông tâm niệm thuốc nào cũng có tác dụng phụ và nếu dùng quá liều sẽ không tốt, điều quan trọng là khi xây dựng chính sách phải lường trước được những điều đó để có phương án xử lý phù hợp.
Đầu tháng 11/2009, khi Chính phủ đánh giá lại toàn bộ gói kích thích để xem xét kết thúc đúng thời hạn, một số ý kiến cho rằng nên kéo dài thêm một thời gian để tránh sốc cho doanh nghiệp vì nền kinh tế chưa khỏe lắm, nếu cắt đột ngột thì sẽ có vấn đề; các phản ứng phụ như tăng trưởng dư nợ nhanh, sức ép tỷ giá và chuyện lợi dụng sẽ có cách xử lý khác.
Tuy nhiên, Chính phủ vừa họp xong thì giá vàng lên ào ào, đặc biệt là trong ngày 11/11, đẩy đôla chợ đen leo lên mốc 20.000 đồng. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ cuối tháng, Thống đốc Giàu đã nêu quan điểm, nếu kéo dài chính sách hỗ trợ lãi suất thì sẽ ảnh hưởng rất xấu đến chính sách vĩ mô và một trong những thách thức lớn là chính sách tỷ giá. Chủ trương ngừng hỗ trợ 4% lãi suất ngắn hạn đúng thời điểm cũng được Quốc hội chấp thuận.
Những ngày cuối cùng của năm Kỷ Sửu, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu lại phải đặt bút ký quyết định tăng tỷ giá liên ngân hàng lần thứ hai trong vòng 3 tháng, một biện pháp mạnh tay với mong muốn trị dứt điểm tác dụng phụ của kích cầu. Tết Canh Dần, ông được thảnh thơi hơn một chút, có điều kiện về quê thăm họ hàng nội ngoại và dành thời gian thư thái cho riêng mình.
Phu nhân của ông đã sắm sẵn vài chiếc áo mới sáng màu để ông diện trong ngày Tết, những mong một năm xán lạn và thuận lợi trong công việc. Nhưng ông hiểu thách thức với ngành ngân hàng vẫn còn nặng nề, năm 2010 chính sách tiền tệ được xem là trọng tâm trong điều hành kinh tế thời hậu khủng hoảng.
Mà ngẫm lại, gần ba năm điều hành Ngân hàng Nhà nước, với ông không ngày nào không có thách thức. Phu nhân của ông vẫn ở trong Nam, khi có người hỏi tại sao không đưa bà ra Hà Nội sống cùng, ông cười: "Bả mà ra, tôi thức khuya làm việc sao được". Ngay cả những lúc bận bịu nhất, ông vẫn cố gắng duy trì thói quen tự nấu ăn bữa tối bằng thức ăn do bà nhà chuẩn bị sẵn và gửi ra, để đảm bảo sức khỏe làm việc.