Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thú chơi hoa thuỷ tiên ngày Tết của người Hà thành

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hàng thế kỷ qua, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người Hà Nội lại có một thú vui tao nhã là mua và gọt hoa thuỷ tiên. Thú chơi này là nét đẹp văn hóa phản ánh sự cầu kỳ, tỉ mỉ và thanh lịch của người dân đất Hà thành.

Giữ nét thanh lịch, hào hoa

Không biết từ bao giờ, người Hà Nội có thú chơi hoa thuỷ tiên vào những ngày Tết. Chỉ biết rằng với người Hà Nội, đây là thú chơi đã được hình thành từ rất lâu và hoa thuỷ tiên luôn có mặt trong gia đình người Hà Nội vào những ngày Tết.

Hoa thuỷ tiên luôn có mặt trong gia đình người Hà Nội vào những ngày Tết. Ảnh: Minh An.
Hoa thuỷ tiên luôn có mặt trong gia đình người Hà Nội vào những ngày Tết. Ảnh: Minh An.

Đọc “Ăn Tết Thủy Tiên” của nhà văn Vũ Bằng, độc giả thấy được sự kỳ công của thú chơi thuỷ tiên. Người xưa bắt đầu chuẩn bị cho việc cắt gọt từ đầu tháng Chạp, với những việc như mua thuỷ tiên, chuẩn bị bình đựng, dao gọt…

Thú chơi hoa thủy tiên của người Hà thành vào dịp Tết. Ảnh: Minh An.
Thú chơi hoa thủy tiên của người Hà thành vào dịp Tết. Ảnh: Minh An.

Qua tìm hiểu, để có được những bông hoa thuỷ tiên đẹp, trước tiên khâu chọn củ rất quan trọng. Để có được những bông hoa đẹp, ít nhất củ phải có 3 năm tuổi mới đủ già để cho ra hoa, lá và rễ đẹp. Củ được chọn phải là củ có lớp vỏ mỏng bọc ngoài màu cánh gián sẫm, xốp và cân đối. Người chơi thuỷ tiên ở Việt Nam thường thích củ dẹt, không thích củ tròn. Vì củ tròn có quá nhiều mầm bên trong, nhưng củ dẹt không dễ kiếm. 

 

“Tôi vẫn không thể quên được những ngày gần Tết, hồi tôi còn nhỏ, không năm nào mẹ tôi không mua ở Hàng Buồm về mấy sọt thuỷ tiên. Thầy tôi mê gọt lắm, mất cả ăn cả ngủ vì thuỷ tiên. Ðã bao nhiêu lần, mẹ tôi dọa sang năm không mua thuỷ tiên nữa để cho thầy tôi không phải gọt; nhưng nói thế thôi, chớ cứ từ đầu tháng chạp trở đi thì cụ đã đi chọn mua thuỷ tiên rồi...”.

Nhà văn Vũ Bằng viết trong tác phẩm “Ăn Tết Thuỷ Tiên”.

Sau khi gọt xong, củ hoa được đặt úp sấp trong chậu nước hai ngày. Sau 4 đến 5 ngày đặt dưỡng, lá non bắt đầu mọc ra, lúc này người chăm hoa phải dùng que tre có một đầu nhọn để nắn hướng lá. Khi ngâm củ vào nước, lá đã ở độ bánh tẻ, người chăm phải gài các lá sao cho chúng xoắn xuýt vào nhau, rồi ba đến bốn ngày sau lại gỡ ra để chúng phát triển tự nhiên.

Theo chia sẻ của những người có thâm niên trong thú chơi hoa thuỷ tiên, một bát thuỷ tiên đẹp phải hội tụ đủ 5 yếu tố mà người chơi hoa gọi là ngũ phúc: Rễ trắng dài giống như hàm én, bẹ trắng ôm hoa giống như những móng rồng, lá màu xanh ngọc, hoa phải 3 tầng tượng trưng cho 3 nhân tố thiên - địa - nhân. Những người chơi hoa thủy tiên có quan niệm rằng, vào đúng đêm giao thừa, bát hoa của người nào có một "nụ nở hàm tiếu" (nở hé ra) thì được cho là mọi sự tốt lành, nhiều tài nhiều lộc sẽ đến với gia đình trong năm tới.

Cầu kỳ, tỉ mỉ

Lần đầu tiên chạm mặt hoa thuỷ tiên năm 1995, nghệ nhân chơi hoa thuỷ tiên - Phạm Hồng Phương chia sẻ trong buổi toạ đàm “Ngày Xuân kể chuyện Tết xưa” rằng: “Hoa thuỷ tiên thích hợp trong môi trường từ 18 – 20 độ. Nếu duy trì được nhiệt độ đó, hoa thuỷ tiên trong vòng 20 ngày sẽ nở từ lúc gọt. Tuy nhiên, thời tiết không bao giờ ổn định, người chơi hoa thuỷ tiên sẽ phải dựa vào nhiệt độ đề tìm cách tạo ra môi trường thích hợp cho hoa. Lạnh quá có thể thắp đèn sưởi, phơi nắng; nóng quá phải giảm nhiệt độ”.

Hoa thuỷ tiên được người chơi gọt, chăm sóc tỷ mỉ để ra hoa vào đêm giao thừa. Ảnh: Minh An.
Hoa thuỷ tiên được người chơi gọt, chăm sóc tỷ mỉ để ra hoa vào đêm giao thừa. Ảnh: Minh An.

Để hoa thuỷ tiên nở đúng vào thời khắc giao thừa, nghệ nhân Phạm Hồng Phương cho biết: “Các cụ ngày xưa có 2 kỹ thuật là lấy mạng nhện để cuốn quanh bao hoa hay sử dụng lòng trắng trứng gà phết lên nụ. Nhưng 2 kỹ thuật đó đòi hỏi người chơi rất hiểu về hoa mới biết nó nở thời điểm nào để hãm, thúc. Ngày xưa khi còn đốt pháo, chỉ cần đốt hết một bánh, hoa thuỷ tiên sẽ nở, vì loài hoa này rất hợp với mùi hương của pháo và hương trầm”.

Người xưa tin rằng, hoa thuỷ tiên nở vào đêm giao thừa sẽ mang đến may mắn, tài lộc và an lành. Ảnh: Minh An
Người xưa tin rằng, hoa thuỷ tiên nở vào đêm giao thừa sẽ mang đến may mắn, tài lộc và an lành. Ảnh: Minh An

Thủy tiên là loài hoa đặc biệt, mỗi năm chỉ cho hoa một lần vào dịp tháng Chạp âm lịch và kéo dài đến khoảng rằm tháng Giêng. Cánh hoa trắng muốt, nhị hoa vàng, hương thơm nhè nhẹ, chỉ cần nước sạch tinh khiết để sống. Chính vì đặc tính này của hoa mà khiến người Hà Nội mê mẩn. Người xưa tin rằng, loài hoa này mang đến may mắn, tài lộc và an lành. Gia đình nào, có một bình hoa nở đúng giao thừa thì năm mới sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến với gia đình.