Theo Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), nhiệt độ ở một số khu vực củaTP đông dân thứ hai Ấn Độ đã lên đến từ 45 -47 độ C vào thứ Năm và dự kiến sẽ duy trì ở mức này cho đến cuối tuần.
IMD cho biết: “Các đợt nắng nóng nghiêm trọng có thể sẽ tiếp diễn ở các khu vực phía Bắc Ấn Độ trong 4-5 ngày tới”.
Trong khi đó, trang dự báo thời tiết AccuWeather cho biết kể từ ngày 12/5, nhiệt độ cao nhất hàng ngày tại New Delhi liên tục vượt ngưỡng 40 độ C.
Đầu tuần này, Tiến sĩ Mrutyunjay Mohapatra, người đứng đầu IMD, trả lời với nhật báo Indian Express: “Đây là đợt nắng nóng dài nhất trong lịch sử với nhiệt độ cao duy trì liên tục trong 24 ngày”.
New Delhi thường xuyên phải hứng chịu những đợt nắng nóng khủng khiếp và hạn hán do hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Nước Atishi cảnh báo TP đang phải đối mặt với việc thiếu 50 triệu gallon nước/ngày do thiếu hụt nguồn cung từ sông Yamuna và các nguồn khác, tờ Economic Times đưa tin.
Theo IMD, vào ngày 29/5, làng Mungeshpur ở phía Bắc Delhi đã chứng kiến mức nhiệt độ vượt ngưỡng 52,9°C. Đây là một trường hợp hiếm hoi khi nhiệt độ ở các khu vực khác của Delhi dao động trong khoảng 45,2°C-49,1°C vào ngày đó.
Truyền thông địa phương đưa tin vào hôm đó, một công nhân nhà máy thiệt mạng do say nắng.
Trong cùng thời gian, các khu vực khác của Ấn Độ cũng xảy ra tình trạng tương tự, với nhiệt độ ở một số nơi chạm ngưỡng 47,5°C.
Hồi tháng 5, các phương tiện truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin về việc nhiều cử tri và nhân viên duy trì trật tự bầu cử đã thiệt mạng do tiến hành bỏ phiếu nhiều giờ dưới nền nhiệt cao.
Bộ Y tế Ấn Độ khuyến cáo người dân uống đủ nước, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời cũng như cần dành sự quan tâm cho người bị bệnh và người già.
Nhiều quốc gia ở Nam và Đông Nam Á cũng phải đối mặt với tình trạng thời tiết tương tự, với nhiệt độ ở Bangladesh, Thái Lan và Việt Nam vượt quá 40°C.
Vào tháng Tư, Tổ chức Khí tượng Thế giới, cơ quan thời tiết của Liên Hợp Quốc, cảnh báo: “Châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Bên cạnh đó, số thương vong và thiệt hại kinh tế ngày càng tăng do lũ lụt, bão và các đợt nắng nóng nghiêm trọng”.