Thu hồi đề án 749 tỷ đồng đổi mới thi và tuyển sinh

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước nhiều ý kiến trái chiều xung quanh Đề án “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020”, ngày 22/5, Bộ GD&ĐT đã có phản hồi chính thức về việc này.

Thực hiện Nghị quyết 44/NQ-CP ngày 9/6/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bộ GD&ĐT đã thực hiện việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Cụ thể, từ năm 2015, Bộ GD&ĐT đã tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Kỳ thi này nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đạt được những mục tiêu cơ bản về đổi mới thi và tuyển sinh…
Để bảo đảm sự ổn định và làm cơ sở để tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2021 trở đi cho phù hợp với chương trình, sách giáo khoa mới, thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Đề án “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020”. Sau khi có thông tin phản ánh về Đề án, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra lại nội dung Đề án. Kết quả kiểm tra cho thấy, nội dung về tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, có sự trùng lặp, một số nội dung thiếu khả thi. Phần kinh phí hơn 749 tỷ đồng nêu trong Đề án là khái toán cho 3 năm (giai đoạn 2018-2020).

Ngoài ra, bộ phận soạn thảo đã đưa vào khái toán nhiều khoản kinh phí không trực tiếp phục vụ cho hoạt động tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, ví dụ như kinh phí từ Đề án Ngoại ngữ quốc gia, Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, Chương trình Phát triển các trường sư phạm... Cách khái toán này dẫn đến sự không thống nhất trong cách hiểu. Do đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo thu hồi Đề án “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020” để tiếp tục hoàn thiện.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu bộ phận soạn thảo Đề án nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án, dự án, đặc biệt là khi tính toán các nội dung về tài chính.