Thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/12, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị toàn thể chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) 2014 với sự tham dự của đại diện Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc và đại diện các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế.

Với chủ đề “Thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản: Cơ hội và thách thức”, ISG 2014 thông tin đến cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp về định hướng phát triển, ưu tiên và môi trường đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại diễn đàn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại hôi nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, tháng 6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Triển khai Đề án, Bộ NN&PTNT đã ban hành đề án và kế hoạch hành động “Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch”. Theo Đề án, đến năm 2030, Nhà nước sẽ cùng với các doanh nghiệp đầu tư theo hướng gia tăng các ngành hàng nông lâm thủy sản phải tăng bình quân 20%, giảm tổn thất sau thu hoạch 50% so với hiện nay.

Bộ NN&PTNT khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư sâu hơn trong các phân khúc có giá trị gia tăng cao như chế biến, thương mại trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản. Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần có sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò “động lực” kết nối sản xuất, chế biến với thị trường, Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ thông qua cơ chế chính sách đột phá và môi trường đầu tư lành mạnh, thuận lợi. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang khẩn trương rà soát các cơ chế chính sách để cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam còn thấp. Cơ sở hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến còn kém phát triển, quy mô công nghiệp chế biến còn nhỏ, thiết bị lạc hậu là những nguyên nhân làm giá trị nông sản Việt Nam thường thấp hơn từ 15 - 50% so với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác.