Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hút FDI: Ưu đãi thuế không phải chìa khóa vạn năng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, việc xây dựng pháp lý, thể chế mới là yếu tố quyết định để giữ chân và thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.

Sớm hoàn thiện cơ chế hỗ trợ bổ sung

Từ ngày 1/1/2024, Việt Nam chính thức thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, đồng nghĩa với những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như trước đây không còn tác dụng. Sau hơn 2 tháng thực thi, đến nay vẫn chưa rõ hệ thống các ưu đãi phù hợp để giữ và thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Lo ngại, việc mất đi ưu đãi về thuế sẽ làm giảm sức hấp dẫn với các FDI, nhiều chuyên cho rằng cần sớm hoàn thiện, bổ sung các cơ chế hỗ trợ phù hợp.

(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Trong bản kiến nghị quý 1/2024 gửi Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan mới đây, nhóm chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần nhanh chóng thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư doanh nghiệp FDI từ nguồn thu tăng thêm. Cùng với đó, cần rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, các chuyên gia gợi ý việc hỗ trợ thêm doanh nghiệp bằng biện pháp tăng thêm các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp FDI, Phó Tổng Giám đốc Deloite Việt Nam Đặng Mai Kim Ngân cho biết, những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu đều quan tâm chính sách ưu đãi thuế của Nhà nước có đi ngược với cam kết của tổ chức hợp tác và phát triển quốc tế (OECD) không và mong muốn các chính sách có sự đồng thuận với nhau.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) Hong Sun, thuế tối thiểu toàn cầu trung bình khoảng 7-8%. Các nước phát triển đều đang áp dụng nhiều biện pháp để hỗ trợ đầu tư bù lại các khoản phải trả của các nhà đầu tư. “Nếu Chính phủ Việt Nam muốn thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và chất bán dẫn thì cần sự hỗ trợ và cam kết không thay đổi để doanh nghiệp dám đầu tư với số tiền hàng chục tỷ USD” - ông Hong Sun nói.

Ổn định chính sách, cải thiện môi trường đầu tư

Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC) Vũ Tiến Lộc nhận định, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với nhiều biến động, giữa các căng thẳng địa chính trị, chiến lược "friend-shoring" và "near-shoring" (dịch chuyển sản xuất về gần nhà hơn) tiếp tục được dự đoán sẽ trở thành xu hướng nổi bật trong năm 2024.

Vấn đề các nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay chính là sự ổn định về chính sách và hiệu quả cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo sự an toàn cho khoản đầu tư của mình. Do đó, việc ban hành các biện pháp hỗ trợ về thuế cần tập trung vào xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ việc thay đổi chính sách; tạo động lực để nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn.

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh Võ Trí Thành cho rằng, bên cạnh những lợi thế, Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong thu hút FDI như, chi phí nhân công tăng cộng với “thời kỳ dân số vàng” không dài và lao động kỹ năng thiếu hụt; cùng với đó là hạ tầng, môi trường hành chính, pháp lý… Đặc biệt, xu hướng phát triển kinh tế thế giới theo hướng xanh hóa và số hóa ngày càng rõ nét. Sự chuyển dịch này đang định hình lại nguồn vốn FDI trên toàn cầu, tức giảm dần các dự án FDI thu lợi từ sự lỏng lẻo trong chính sách bảo vệ môi trường tại các nước đang phát triển.

Đã đến lúc Việt Nam phải chuyển sang môi trường kinh doanh thúc đẩy, tạo điều kiện, thay vì môi trường ngăn chặn, cắt giảm các thủ tục đầu tư kinh doanh đơn thuần. Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy kinh tế mới sang tuần hoàn, kinh tế số.

Do đó, ngoài việc cần cải thiện chung về mặt bằng sản xuất kinh doanh; nhân lực; thể chế và môi trường kinh doanh, hạ tầng, Việt Nam cần có chiến lược mới trong thu hút FDI từ tối đa hóa số lượng sang tối ưu hóa chất lượng. “Chúng ta rất kỳ vọng lần này rất nhiều, không chỉ nguồn vốn mà quan trọng hơn gắn với các nhà đầu tư có các dự án chất lượng đầu tư vào Việt Nam cùng với đó là đảm bảo phát triển bền vững, tăng trưởng xanh” - TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Thông tin đến doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Đỗ Văn Sử cho biết, bộ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư. Trong đó có các giải pháp hỗ trợ ưu đãi như trợ cấp đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ tín dụng hoặc bảo lãnh tín dụng… Ngoài ra, có các chính sách hỗ trợ về chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí đầu tư tạo tài sản cố định, chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Ông Đỗ Văn Sử cũng thông tin thêm, theo hướng dẫn của OECD, trợ cấp doanh nghiệp được coi là không phù hợp nếu vi phạm 1 trong 4 yếu tố, đó là đối tượng hỗ trợ không có lợi cho tất cả các doanh nghiệp; chỉ có lợi cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu; việc hưởng trợ cấp là do thực hiện đóng thuế tối thiểu toàn cầu; và các chính sách hưởng lợi được ban hành sau khi có quy tắc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam đang rà soát về khả năng xung đột phá lý với các điều khoản về bảo đảm đầu tư theo Luật đầu tư hiện hành.