Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hút sinh viên quốc tế là nhiệm vụ của các trường

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 3/11, bên lề Diễn đàn giáo dục Việt Nam - châu Âu, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Vang cho rằng làm thế nào để sinh viên quốc tế đến Việt Nam học nhiều hơn là nhiệm vụ của các trường, Bộ GD&ĐT sẽ mở rộng cơ chế.

Thưa ông, hiện nay số lượng học sinh, sinh viên quốc tế đến Việt Nam học rất ít. Làm sao để chúng ta cải thiện tình hình?
Hợp tác quốc tế nói chung và trong giáo dục rất quan trọng, bây giờ phát triển cao hơn thành hội nhập. Chúng ta phải tham gia vào luật chơi chung của thế giới, nghĩa là có đóng góp, giúp đỡ các nước khác chứ không phải chờ người ta hỗ trợ mình.
  Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Vang trả lời phỏng vấn
Thời gian qua, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 22 về Hội nhập quốc tế. Trong Nghị quyết số 29 của BCH TƯ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục có đề ra nhóm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có nội dung nói về hội nhập quốc tế. Chúng ta phải chủ động hội nhập để nâng cao vị thế đất nước cũng như chất lượng đào tạo của giáo dục Việt Nam. Hiện nay số học sinh, sinh viên trong nước ra nước ngoài học tập ngày càng tăng do nhiều gia đình có điều kiện kinh tế; số học sinh học các chương trình quốc tế ở trong nước cũng nhiều hơn; đồng thời số sinh viên nước ngoài vào Việt Nam học đang tăng dần.
Như tôi đã nói, để thu hút sinh viên quốc tế là nhiệm vụ của các trường bằng việc có những chương trình dạy bằng tiếng Anh, cơ sở vật chất tốt, đào tạo có chất lượng. Có như thế, sinh viên nước ngoài mới đến học đông vừa được trải nghiệm văn hóa Việt Nam và các chương trình học ở Việt Nam vẫn được trường học của họ ở quê nhà tính điểm bình thường.
Sinh viên nước nào đến Việt Nam học nhiều nhất?
Tính theo số lượng sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học nhiều nhất là Lào với khoảng 12.000, trong đó có tới 50% đi theo diện học bổng của Chính phủ, địa phương. Tiếp đến là sinh viên đến từ Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản vào học tại Việt Nam ngày càng tăng. Hiện nay, Chính phủ Austraylia có chương trình khuyến khích sinh viên ra nước ngoài học tập. Năm 2015, có 161 sinh viên của nước này đăng ký sang Việt Nam học tiếng Việt, cũng như nghiên cứu, trải nghiệm và đi du lịch ở đất nước ta. Hy vọng trong năm nay và những năm tới, số sinh viên nước này đến Việt Nam học ngày càng tăng.
Để thu hút nhiều người nước ngoài, điều quan trọng vẫn là trách nhiệm và nỗ lực của từng trường. Các trường có chương trình hay, giáo viên giỏi, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh thì sẽ có nhiều sinh viên nước ngoài đến. Tôi biết, một số trường đã hợp tác với trường nước ngoài nhận sinh viên đến học 1 - 2 học kỳ về lịch sử, văn hóa Việt Nam, đang phát triển rất tốt.
Thưa ông, các trường đại học được thực hiện tự chủ sẽ góp phần thế nào trong hội nhập quốc tế?
Hiện đã có một số trường được Chính phủ giao thực hiện thí điểm tự chủ hoàn toàn về chương trình, tài chính,... Riêng về vấn đề hợp tác quốc tế, các trường được thực hiện tự chủ từ lâu thể hiện ở việc phê duyệt liên kết chương trình đào tạo. Bây giờ, các trường cần có đội ngũ cán bộ hoạt động quốc tế, tư duy đổi mới của lãnh đạo về tự chủ thì việc hợp tác sẽ phát triển hơn.
Chính phủ vừa phê duyệt khung trình độ quốc gia gồm 8 bậc sẽ góp phần cho văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam được các nước công nhận như thế nào?
Khung trình độ quốc gia của chúng ta được xây dựng dựa trên khung tham chiếu trình độ của Asean. Có nước xây dựng khung trình độ 8 bậc, có quốc gia lại 9 bậc nhưng đều có sự tương đồng với tiêu chuẩn Asean. Việc Việt Nam có khung trình độ quốc gia là điều kiện thuận lợi để các nước trong khu vực chấp nhận và đánh giá ngang bằng. Nhất là khi, hiện nay có 8 nghề được công nhận lẫn nhau trong khu vực Asean, học sinh, sinh viên Việt Nam hay Philippines, Thái Lan đạt chứng chỉ có thể sang bất cứ nước nào trong khu vực để làm việc.
Để có nhiều sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập, kiểm định chất lượng đào tạo của các trường cũng đóng vai trò quan trọng?
Điều kiện để các trường nước ngoài hay trường Việt Nam liên kết với quốc tế trong hoạt động đào tạo, chương trình phải được kiểm định ở nước ngoài, do một tổ chức uy tín công nhận. Khi chương trình ấy được kiểm định đạt yêu cầu, hai đối tác muốn mang vào Việt Nam đào tạo thì phải có sự bàn bạc để có sự thống nhất. Nhưng, Nhà nước vẫn phải kiểm tra việc thực hiện quy trình có đúng không. Những chương trình nào chưa được kiểm định dứt khoát sẽ không được cấp phép liên kết đào tạo.
Xin cảm ơn ông!