Đầu tàu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cán đích giữa khó khăn
Thông tin tại hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Tài chính tổ chức ngày 6/1 cho thấy, kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2021 tại một số địa phương khá tích cực. Mỗi địa phương đã có những kế hoạch, kiến nghị khác nhau để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2022.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trong điều kiện thu ngân sách năm 2021 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngay từ đầu năm, Thành phố đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu, tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra, chống thất thu - chuyển giá - gian lận thuế để khai thác tăng thu; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng mắc nghĩa vụ tài chính về đất.
Qua đó đã xử lý tháo gỡ 7 dự án vướng mắc với số tiền 936 tỷ đồng; đôn đốc thu và cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế đạt kết quả; đồng thời, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế.
Bên cạnh đó, Thành phố đã triển khai kịp thời Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất trong năm 2021 và các chính sách hỗ trợ khác của Trung ương với tổng số tiền thực hiện ước tính 27.537 tỷ đồng.
"Nhờ đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 là 265.755 tỷ đồng, đạt 112,8% dự toán Trung ương giao (đạt 105,7% dự toán Thành phố giao), tạo điều kiện quan trọng hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thủ đô", ông Hà Minh Hải cho biết.
Riêng đối với chi ngân sách, đến hết ngày 31/12/2021 số chi ngân sách của Thành phố là 73.858 tỷ đồng, đạt 76% so với dự toán Trung ương giao đầu năm, bằng 84% so với số quyết toán chi năm 2020. Đặc biệt, Thành phố đã bố trí kịp thời kinh phí cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định.
Còn tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021 là năm thứ 2 kinh tế - xã hội Thành phố bị tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt khi làn sóng dịch bệnh bùng phát cuối tháng 4/2021 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp.
Để phục hồi và phát triển kinh tế, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Chính phủ đã triển khai các chính sách giảm, giãn thuế hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất. Do đó, số thu ngân sách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ tháng 5 có xu hướng giảm dần so với số thu của tháng trước nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, đến tháng 8 và tháng 9, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, số thu ngân sách đã sụt giảm mạnh nhất từ trước tới nay và giảm sâu so với cùng kỳ, số thu tháng 9 chỉ đạt 55,82% so với mức trung bình một tháng TP Hồ Chí Minh phải thu.
Tuy nhiên, bà Phan Thị Thắng cho biết, trước tình hình thực tế gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không thuận lợi đến việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước trên địa bàn; nhưng với sự quyết tâm của các ngành, các cấp cùng với sự đồng lòng của doanh nghiệp và người dân TP Hồ Chí Minh, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố năm 2021 là 381.532 tỷ đồng, đạt 104,56% dự toán và tăng 2,73% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt đạt 102,7% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,95% dự toán.
Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, nhiều khoản chi cấp thiết cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng, TP Hồ Chí Minh phải đối mặt trước nguy cơ mất khả năng cân đối. Do đó, việc Trung ương hỗ trợ kịp thời 71.105 tấn gạo cho người dân gặp khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội và 2.000 tỷ đồng đã góp phần tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Tính đến tháng 12 năm 2021, TP Hồ Chí Minh đã chi cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 là 17.810 tỷ đồng.
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Năm 2022, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước khá nặng nề trong vối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với những biến chủng mới.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải thông tin, trong năm 2022, Thành phố sẽ triển khai quyết liệt, kịp thời kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn quận, huyện, thị xã, trọng tâm là khôi phục các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.
TP Hà Nội sẽ điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đúng quy định, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững cân đối ngân sách, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao. Đặc biệt, ngay trong quý 1/2022, Thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành tối thiểu 27% dự toán Trung ương giao, triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách tài chính trên địa bàn.
Còn tại Hải Phòng, lãnh đạo địa phương này cũng cho biết, với nhu cầu đầu tư rất lớn, nguồn ngân sách Thành phố dành cho đầu tư phát triển hàng năm chưa thể đáp ứng được yêu cầu đề ra, việc huy động từ các nguồn vốn vay là một trong những giải pháp cần thiết và hiệu quả để huy động nguồn lực, đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển ngày càng cao của Thành phố.
"TP Hải Phòng dự kiến tiếp tục lựa chọn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là một trong những kênh hữu ích, để huy động vốn đầu tư cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Vì vậy, để tăng tính thanh khoản và đảm bảo thành công của các đợt phát hành trái phiếu chính quyền địa phương TP Hải Phòng trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo, UBND Thành phố kính đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép đưa trái phiếu chính quyền địa phương TP Hải Phòng vào danh mục giấy tờ có giá được sử dụng cho giao dịch của Ngân hàng Nhà nước" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân nói.