Yên Mỹ là vùng đất bãi được sông Hồng bồi đắp phù sa nên bà con nông dân đã phát triển nghề trồng rau từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến năm 2010, được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, HTX Nông nghiệp Yên Mỹ đã vận động người dân chuyển sang trồng rau sạch theo quy trình VietGAP. Với mong muốn thay đổi phương thức sản xuất, tháng 5/2012, chị Hoa đã mạnh dạn ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP trên 7 sào rau của gia đình.
Chị tâm sự, ban đầu do còn nhiều bỡ ngỡ nên chưa biết cách ươm giống, trồng, chăm sóc đúng quy trình. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, chị đã dành nhiều thời gian học hỏi kỹ thuật từ cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, rồi tìm đọc thêm tài liệu, sách, báo. Dần dần, chị đã thành thạo từng khâu kỹ thuật nên năng suất, mẫu mã, chất lượng rau đều tăng. "Trước đây, chúng tôi thường bón nhiều đạm cho rau nhưng khi chuyển sang trồng rau VietGAP, lượng đạm được giảm tối đa, rau ngọt hơn và không độc hại" - chị Hoa chia sẻ.
Chị Hoa chăm sóc ruộng súp lơ được trồng theo quy trình VietGAP.
Theo chị Hoa, chăm sóc rau theo quy trình VietGAP giúp giảm được 20% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, thời gian cách ly sau khi bón phân, phun thuốc 10 - 15 ngày mới thu hoạch nên chất lượng rau đảm bảo.
Trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị Hoa thu lãi 80 - 90 triệu đồng từ trồng rau theo quy trình VietGAP, cao hơn 20% so với cách làm trước đây. Nhờ nguồn thu ấy, vợ chồng chị có điều kiện xây dựng nhà cửa và mua sắm đồ dùng sinh hoạt. Ông Trần Đức Vinh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Yên Mỹ cho biết, từ 3ha thí điểm ban đầu, đến nay toàn xã có 13ha rau sản xuất theo quy trình VietGAP trên tổng số hơn 70ha trồng rau. Mô hình này đang cho hiệu quả kinh tế cao, đạt 10 - 12 triệu đồng/sào/vụ. Trong đó, chị Hoa là một trong những hộ trồng rau VietGAP hiệu quả nhất của HTX, thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật cho các xã viên khác.