Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu nhập cao từ các mô hình chuyển đổi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dựa trên lợi thế sản xuất của từng vùng, huyện Thường Tín đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đến nay, ngành nông nghiệp của huyện đã có những bước phát triển vượt bậc, thu nhập người dân được nâng cao.

Trưởng Phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng cho biết, Thường Tín là huyện thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún.
Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chưa thoát khỏi thế độc canh, chăn nuôi, thủy sản chưa phát triển mạnh... Trước tình hình đó, huyện đã đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp dựa trên cơ sở xác định lợi thế của từng vùng.
Những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng bầu xã Văn Phú, mô hình sản xuất rau VietGAP xã Ninh Sở, mô hình chăn nuôi lợn xã Hồng Vân…
Anh Nguyễn Văn Kha, xã Tự Nhiên, Thường Tín bên vườn su su của gia đình
Cùng với đó đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng nuôi trồng thủy sản xã Thư Phú, Nghiêm Xuyên, Lê Lợi; vùng sản xuất rau an toàn xã Hà Hồi, Thư Phú, Tân Minh; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, từ đó giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.
“Để hỗ trợ người dân chuyển đổi, huyện cũng đã hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như canh tác cải tiến SRI, phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên vào sản xuất, hỗ trợ kinh phí xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể. Đến nay, trên địa bàn huyện có đã có 5 mô hình liên kết chuỗi, 14 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao” – bà Phượng thông tin thêm.
Là một trong những hộ chuyển đổi hiệu quả từ diện tích lúa kém năng suất sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả, hiện nay gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên đang canh tác 5ha mặt nước, thu nhập bình quân của gia đình ông là trên 1 tỷ đồng mỗi năm. “So với canh tác lúa thì nuôi trồng thủy sản cho thu nhập gấp từ 4 - 5 lần, nhờ vậy mà điều kiện kinh tế gia đình cũng khá giả hơn” - ông Sơn so sánh.
Theo Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên Hoàng Xuân Hữu, trong khu chuyển đổi của xã đã có 86 hộ nuôi trồng thủy sản với diện tích 80ha. Các hộ gia đình đã tập trung đầu tư cải tạo ao nuôi đảm bảo kỹ thuật, chú trọng chất lượng con giống, áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi trồng theo biện pháp an toàn sinh học. Nhìn chung, các mô hình sản xuất bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế, lợi nhuận bình quân 140 triệu đồng/ha/năm.
Hay tại xã Vân Tảo, địa phương cũng đã tích cực chuyển đổi sang mô hình trồng đào cảnh. Đến nay, toàn xã có gần 100ha diện tích trồng hoa đào. Theo tính toán của xã, mỗi ha diện tích trồng đào cũng cho người dân thu nhập từ 900 triệu - 1 tỷ đồng/năm.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy khẳng định, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đã giúp cho ngành nông nghiệp của huyện có bước chuyển mình theo hướng tích cực. Trên cơ sở kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu thế mạnh của từng vùng để chuyển đổi hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.