Thu nhập cao từ mô hình rau an toàn ở Yên Viên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sản xuất rau theo quy trình VietGap ở xã Yên Viên cho hiệu quả kinh tế cao.

Từ một xã có xuất phát điểm thấp trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhờ thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGap, đến nay, xã Yên Viên (huyện Gia Lâm) vươn lên xếp thứ 2 trong thực hiện chương trình này của huyện với 18/19 tiêu chí đã hoàn thành.

 
Sản xuất rau theo quy trình VietGap ở xã Yên Viên cho hiệu quả kinh tế cao.
Kinhtedothi - Sản xuất rau theo quy trình VietGap ở xã Yên Viên cho hiệu quả kinh tế cao.
Xã Yên Viên có 100ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 50ha cấy lúa tập trung, 30ha trồng màu. Do hạn chế về nhiều mặt nên trước kia nông dân trong xã chỉ cấy các giống lúa truyền thống, còn trồng màu theo hình thức nhỏ lẻ tự cung, tự cấp nên thu nhập từ nghề nông vừa thấp, vừa bấp bênh, người dân chưa thật sự mặn mà với đồng ruộng. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện về mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGap, năm 2011, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã đã vận động xã viên đưa trên 20ha đất màu vào sản xuất các loại rau ngắn ngày, chủ yếu là rau gia vị, rau cải các loại…

Chị Trần Thị Hà ở thôn Lã Côi cho biết: nếu trước đây mấy sào ruộng trồng màu của gia đình cho thu nhập chỉ bằng cấy lúa thì từ khi chuyển sang mô hình trồng hành và rau gia vị theo quy trình VietGap đã cho hiệu kinh tế cao gấp 5 - 6 lần. Từ thực tế này, diện tích trồng rau theo quy trình VietGap hiện nay của xã đã lên trên 30ha, thu hút 700 nông hộ tham gia sản xuất. Theo các hộ dân ở đây, tùy từng loại rau, mỗi ha cho thu nhập từ 400 - 700 triệu đồng và hầu hết các hộ đã có bát ăn bát để, nhiều hộ đã giàu lên nhanh chóng. Theo ông  Đỗ Văn Tuấn - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên, một trong những yếu tố cơ bản thúc đẩy Yên Viên tăng diện tích sản xuất rau VietGap là do đầu ra tương đối ổn định. Hiện, toàn xã có 12 hộ nhận thu gom rau để bán buôn, bán lẻ tại các chợ đầu mối; rau sạch của xã đã được đưa vào các sàn giao dịch nông sản an toàn của TP nên nông dân không còn lo khâu tiêu thụ như trước kia.

Có được kết quả trên, ngoài sự quan tâm giúp đỡ từ các ngành chức năng của huyện trong tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGap, thì sự năng động, tích cực của Ban quản lý HTX trong việc tuyên truyền đã thu hút nhiều nông hộ tham gia sản xuất. Từ đó tạo những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững.