Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng tăng trưởng

Minh Khôi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư chuyển đổi số, đẩy mạnh hoạt động thanh toán và kinh doanh bảo hiểm đã giúp thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng tăng cao trong năm 2021. Sự chuyển dịch này phù hợp với xu hướng chung của các ngân hàng hiện đại.

SeaBank kinh doanh khả quan trong 2021.
SeaBank kinh doanh khả quan trong 2021.

Thu từ dịch vụ tăng mạnh

Vài năm trở lại đây, cơ cấu thu nhập trong lĩnh vực ngân hàng bắt đầu có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động tín dụng truyền thống và nâng cao dần tỷ trọng thu nhập từ các hoạt động, dịch vụ khác. Sự chuyển dịch cơ cấu này phù hợp với xu hướng chung của các ngân hàng hiện đại, giảm đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực rủi ro cao, tăng thu từ hoạt động phi tín dụng, ít rủi ro hơn.

Theo báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 vừa được SSI Research công bố, thu nhập từ phí dịch vụ của các ngân hàng đã tăng trưởng mạnh tới 62% trong nửa đầu năm 2021, sau đó giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ trong quý III/2021. Lũy kế 9 tháng năm 2021, mức tăng trưởng vẫn đạt 37% so với cùng kỳ nhờ dịch vụ thanh toán cũng như thu nhập từ bán chéo bảo hiểm. Báo cáo tài chính năm 2021 của các nhà băng niêm yết trên sàn cũng đã hé lộ danh sách những ngân hàng tăng trưởng thu từ dịch vụ cao nhất, trong đó có nhiều cái tên đã được biết đến nhờ đầu tư hiệu quả cho chuyển đổi số và phát huy lợi thế hệ sinh thái. 

Đơn cử như Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB), năm 2021 ghi nhận mức lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng gấp 3,2 lần so với năm 2020, đạt gần 1.146 tỷ đồng với động lực chính đến từ phí dịch vụ và hoa hồng môi giới bảo hiểm.

Xét về tốc độ tăng trưởng, SeABank cho biết, đơn vị này đứng vị trí thứ 2 trong danh sách 26 ngân hàng thương mại trong nước với tỷ lệ tăng trưởng đạt 222%. Sự tăng trưởng tốt từ mảng phí dịch vụ là một trong những động lực chính giúp cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng này tăng trưởng ấn tượng. Qua đó đã giúp lợi nhuận trước thuế của SeABank năm 2021 đạt 3.268 tỷ đồng, vượt 135% kế hoạch đã đề ra, tăng gần 2 lần so với 2020. Tổng thu thuần ngoài lãi NOII tăng 22% so với năm 2020.

Theo SeABank, mức tăng trưởng này đạt được thông qua các hoạt động tự doanh, phát hành chứng khoán, lợi nhuận hoa hồng bán bảo hiểm, thu phí dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và đặc biệt thông qua các sản phẩm, dịch vụ tài chính thực hiện trên nền tảng công nghệ số hiện đại, tiêu biểu là ứng dụng ngân hàng số SeAMobile. 

Sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ đã góp phần mang lại những thành tựu, con số ấn tượng trong năm 2021 với số lượng người dùng eBank mở mới tăng 201%, số lượng giao dịch tăng 170% và giá trị giao dịch trực tuyến tăng gần 239%, qua đó đã giúp doanh thu phí năm 2021 tăng 130% so với năm 2020. Đối với kênh bancassurance, tính đến tháng 12/2021, SeABank đã phát hành được 396 tỷ đồng giá trị hợp đồng bảo hiểm Prudential, tăng trưởng 165% so với cùng kỳ năm 2020.

Chiến lược số hóa hái quả ngọt

Như vậy, số hóa và bán chéo sản phẩm dịch vụ đã tạo ra bước chuyển đổi mạnh mẽ giúp cho SeABank đa dạng hóa nguồn thu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu lãi từ tín dụng. Bên cạnh đó việc chuyển đổi số cũng giúp ngân hàng này giảm thiểu các quy trình và thời gian vận hành nội bộ, gia tăng hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí vận hành.

Số hóa giúp SeABank đa dạng nguồn thu.
Số hóa giúp SeABank đa dạng nguồn thu.

Cũng nhờ đẩy mạnh số hóa mà tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng giảm mạnh từ 47,5% năm 2020 xuống còn 36% cuối năm 2021. Đây là một chỉ số quan trọng đánh giá hiệu quả trong hoạt động ngân hàng nói chung. Bên cạnh đó, số hóa toàn diện đã tạo ra những bước tăng trưởng về số lượng khách hàng trong nhiều năm qua tại SeABank. Từ vỏn vẹn mấy trăm nghìn khách hàng năm 2016, sau 5 năm, SeABank đã đạt mốc gần 2 triệu khách hàng, tăng gấp 3 lần.

Từ "trái ngọt" của SeABank đã cho thấy hiệu quả của chuyển đổi số mang lại cho các ngân hàng ngày càng rõ ràng thể hiện thông qua các chỉ số tài chính. Đây cũng chính là xu thế tất yếu của thị trường buộc ngân hàng phải đầu tư và thúc đẩy kinh doanh trên nền tảng số để sẵn sàng tiếp cận với khách hàng, đón bắt xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo chia sẻ của bà Lê Thu Thủy - Tổng giám đốc SeABank, ngân hàng đang trong lộ trình để đưa tất cả những hoạt động của ngân hàng cũng như các sản phẩm dịch vụ sang vận hành tự động, số hóa, đồng thời chuyển đổi nền tảng để phục vụ khách hàng online nhiều hơn, cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. SeABank đã, đang và tiếp tục chuyển đổi hệ thống theo những tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến của thế giới như áp dụng trí tuệ nhân tạo AI, sử dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay là điện toán đám mây để lưu trữ và bảo mật thông tin khách hàng, từ đó thúc đẩy sáng tạo sản phẩm, cải thiện dịch vụ khách hàng và trải nghiệm trực tuyến…

Thời gian gần đây, ngành ngân hàng việt Nam đang có những sự chuyển dịch quan trọng để hướng tới phát triển bền vững, quản trị rủi ro tốt hơn như gia tăng tỷ lệ Casa, tăng tỷ trọng thu ngoài lãi, đầu tư mạnh cho công nghệ, bán chéo bảo hiểm… Điều này cho thấy cuộc đua tăng trưởng của các nhà băng sẽ thêm phần sôi động và sẽ còn nhiều thay đổi trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần