“Cùng với tăng cao thu nhập, chất lượng môi trường và điều kiện làm việc của người lao động trong ngành dệt may đến nay đã được cải thiện đáng kể”. Đó là khẳng định của Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường khi chia sẻ với báo chí trong buổi họp báo trực tuyến tại hai đầu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2013, do Vinatex tổ chức hôm nay 8/1. Trong bối cảnh thị trường dệt may thế giới năm 2013 có tăng trưởng nhưng chỉ tăng với con số nhỏ, xuất khẩu (XK) dệt may của Việt Nam nếu tính cả phần nguyên phụ liệu đạt tới 20,4 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm trước. Đóng góp trong thành công chung đó có vai trò nòng cốt của Vinatex. Tập đoàn năm 2013 đã đạt doanh thu 45.593 tỷ đồng, tăng 12%, trong đó XK 2,9 tỷ USD, tăng 12% và doanh thu nội địa 22,5 ngàn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2012. Đặc biệt lần đầu tiên, thu nhập bình quân của người lao động trong ngành dệt may đã vượt ngưỡng 5 triệu đồng, đạt 5.206.000 đồng/tháng, tăng 10% so với năm ngoái. Đến thời điểm này, số các DN dệt may trong nước đã áp dụng hình thức phục vụ CBCNV 2 bữa ăn trong 1 ngày (sáng và trưa) là phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều DN quy định nghiêm túc chế độ làm việc từ 7h đến 17h là cắt điện hoàn toàn để ngừng sản xuất, trong 1 tháng nghỉ tất cả các chủ nhật. “Chúng tôi cho rằng, nếu chỉ tăng thu nhập thực tế mà không giảm giờ làm, vẫn yêu cầu người lao động làm việc 10 - 11 tiếng đồng hồ/ngày thì không thể gọi là cải thiện điều kiện làm việc và cuộc sống”, ông Trường nhấn mạnh. Cũng theo lãnh đạo Tập đoàn Dệt may , đáng ghi nhận trong năm qua có nhiều đơn vị SXKD không chỉ hoàn thành kế hoạch được giao, hoàn thành nghị quyết đại hội đồng cổ đông mà còn tăng trên 20% về cả kim ngạch XK, doanh thu nội địa và lợi nhuận. Trong đó, Tổng công ty Dệt may Hà Nội vừa phải di dời mấy nhà máy trong thời gian gấp 30 tháng song năm qua vẫn có lãi, chia cổ tức cho cổ đông 10%, kim ngạch XK tăng gần gấp đôi. Công ty Dệt may Nam Định mấy năm trước gần như phá sản thì năm 2013 đã hoàn thành quá trình phục hồi và sẽ chia cổ tức đạt 12-14%, trong hoàn cảnh cũng đang thực hiện di dời. Công ty dệt kim Đông Xuân tăng lợi nhuận 539% do đã tìm được hướng đi đúng đắn trong làm hàng FOB. Công ty dệt kim Đông Phương 3 năm trước còn rất khó khăn thì năm qua cũng lãi hơn 10 tỷ đồng, tăng 29%... Năm 2014, Tập đoàn sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp trọng tâm gồm đầu tư, tài chính, thị trường và đổi mới phát triển DN để đạt kế hoạch đặt ra: Giá trị SXCN tăng 10%, doanh thu tăng 12% và kim ngạch XK (tính đủ nguyên phụ liệu) tăng 12% so với năm ngoái.