Thu phí âm nhạc trực tuyến

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau 2 tháng triển khai thử nghiệm, với con số thu về vẻn vẹn 17 triệu đồng, vấn đề thu phí âm nhạc trực tuyến vẫn là tâm điểm trong dư luận, công chúng và giới nghệ sĩ.

17 triệu và hơn 1 tỷ

Trong cuộc họp giữa Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Tập đoàn MV Corp và một số trang web cung cấp nhạc trực tuyến, ông Phùng Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn MV cho biết: "Tính từ 1/11 đến 26/12/2012, chúng tôi thu được 17 triệu đồng tiền bản quyền âm nhạc trực tuyến. Chỉ tính riêng tháng 11, doanh thu của âm nhạc trực tuyến đạt 15 triệu đồng". 

Trong khi đó, với doanh thu tác quyền âm nhạc từ nhạc chuông, nhạc chờ chiếm 25 - 30% trong tổng số gần 47 tỷ đồng trong năm 2012 doanh số phân phối của VCPMC, ước tính mỗi tháng VCPMC thu được hơn 1 tỷ đồng của dịch vụ âm nhạc di động. 17 triệu đồng và hơn 1 tỷ đồng là hai con số quá khập khiễng của hai loại hình thu phí âm nhạc. Theo thống kê của Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), hiện nay, Việt Nam có khoảng 150 website hoạt động ổn định và cho phép tải nhạc trực tuyến. Kết quả thí điểm thu phí tải nhạc tại 18 webisite từ 1/11/2012 đã khiến mọi người thất vọng.

Thu phí âm nhạc trực tuyến - Ảnh 1

Việc thu phí tải nhạc giúp các đơn vị sản xuất, phát hành, ca sĩ, nhạc sĩ có thêm nguồn thu để tái tạo sức lao động.

 

Theo bà Phạm Thanh Thủy, Giám đốc khu vực phía Bắc VCPMC, nguyên nhân chủ yếu khiến việc thu phí tải nhạc trực tuyến chưa hiệu quả là: "Bước đầu nhà cung cấp gặp trục trặc ở kênh thanh toán. Mỗi website áp dụng một hình thức thanh toán khác nhau khiến cho người nghe bối rối". Ngoài ra, việc xuất hiện đồng thời những bản nhạc có nội dung tương tự, nhưng lại miễn phí tải khiến người nghe… hoang mang. Ngoại trừ Zing đưa bài hát vào riêng mục Zing Store, Nhacvui.vn đưa riêng vào mục Tải nhạc thì hầu hết các website khác vẫn để lẫn lộn bài hát có thu phí và bài nhạc thường. Sự lộn xộn đó vừa tạo điều kiện cho người nghe không ý thức có thể lách luật, mà cũng gây khó cho việc quản lý của nhà cung cấp. Chất lượng bản nhạc tải về cũng là một vấn đề làm người nghe phân vân. Mặc dù đơn vị cung cấp nhạc số MV Corp đã cam kết đưa ra chất lượng tốt nhất, kèm với đó là thông tin để tương xứng với mức giá người nghe phải trả nhưng điều này vẫn chưa thực hiện được. 100 album bán thử nghiệm ban đầu đều khá cũ và có nhiều bản nhạc không đảm bảo chất lượng.

Nỗ lực bước đầu

Trước thời điểm thu phí âm nhạc trực tuyến (1/11/2012), đại đa số người dân đều nghi ngờ tính khả thi của kế hoạch đầy tham vọng này. Trong giới chuyên môn bùng nổ những tranh luận về vấn đề tác quyền và việc ăn chia giữa nhà cung cấp và giới nghệ sĩ. Tuy nhiên, hầu hết các nghệ sĩ đều mong muốn việc thu phí này được thực hiện, để thể hiện sự tôn trọng của người nghe với sức lao động của nghệ sĩ. Và sở dĩ số tiền âm nhạc trực tuyến thu được còn khiêm tốn, là vì hình thức thu nhạc trực tuyến mới bắt đầu được thực hiện tại Việt Nam.

Còn nhớ, năm 2002, khi VCPMC mới được thành lập, doanh thu trong năm đầu chỉ đạt hơn 78 triệu đồng. Sau 10 năm, VCPMC đã phân phối được gần 120 tỷ đồng. Cùng với nỗ lực, doanh số tiền bản quyền tăng cao, tính riêng năm 2011, gần 100 nhạc sĩ của Việt Nam nhận được hơn 100 triệu đồng tiền tác quyền/năm. Đặc biệt, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Hoài An... được chi trả trên 300 triệu đồng. "Trong thời gian tới, khi các đơn vị cung cấp dịch vụ âm nhạc trực tuyến tìm cách khắc phục những điểm yếu, tôi tin chắc doanh thu sẽ khả dĩ hơn", bà Thủy tin tưởng.

Năm 2013, VCPMC đưa vấn đề tác quyền nhạc vào mục tiêu trọng điểm. Và đúng như dự kiến, khoảng quý II/2013, các đơn vị cung cấp sẽ tiến hành thu phí ở lĩnh vực tải nhạc.

Ngày 5/1/2013, VCPMC sẽ tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhân dịp này, VCPMC và nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Sau 10 năm hoạt động, hiện nay, VCPMC có 81 cán bộ nhân viên, làm việc tại 18 trụ sở và văn phòng đại diện ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần