Thu phí ATM từ 1/3: Nhiều ngân hàng và chủ thẻ chưa sẵn sàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ còn một ngày nữa - ngày 1/3, các ngân hàng chính thức thu phí các giao dịch ATM nội mạng.

Giờ G sắp điểm, "thượng đế" sắp phải móc hầu bao nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại vẫn thiếu một lời cam kết về chất lượng dịch vụ và hạ tầng ATM.

Thu 1 đồng, chi 9 đồng?

Anh Vũ Trình (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2012, khi rút tiền tại cây ATM ở Xuân La, Tây Hồ anh đã nhận được một tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng bị rách. Bị từ chối khi mua hàng, anh Trình mang tờ tiền trên đến Phòng giao dịch của Techcombank trên đường Xuân La để đổi. Tuy nhiên, nhân viên ở đây cho biết, cây ATM mà anh Trình rút không phải do Phòng giao dịch Techcombank Xuân La nạp tiền mà do Phòng giao dịch khác trên đường Hoàng Quốc Việt. Bởi vậy, Techcombank Xuân La không có trách nhiệm đổi lại tiền cho khách hàng. Dù tờ tiền rách có mệnh giá không nhỏ nhưng do thiếu thời gian và ngại phiền hà khi theo đuổi khiếu nại với ngân hàng nên anh Trình đành chấp nhận… mất 500.000 đồng.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trục trặc mà các "thượng đế" ATM vẫn gặp phải hàng ngày. Là công nhân một nhà máy gương kính, có thẻ ATM của Vietcombank, chị Hoài Thương rất nản khi mỗi lần rút tại cây ATM chỉ được tối đa 2 triệu đồng. Và nếu không may gặp phải cây ATM nhiều tiền mệnh giá nhỏ thì số tiền rút tối đa  lại ít hơn… Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam, đồng thời là Phó Tổng Giám đốc Vietcombank thừa nhận, nếu khách hàng nào gặp phải những cây ATM tiền mệnh giá nhỏ, số tiền tối đa cho mỗi lần giao dịch sẽ thấp hơn. Theo ông, đây là câu chuyện "may rủi" bởi máy móc đã lập trình, không thể điều khiển theo ý con người.

Thu phí ATM từ 1/3: Nhiều ngân hàng và chủ thẻ chưa sẵn sàng - Ảnh 1

Từ 1/3, một loạt biểu phí ATM của các ngân hàng sẽ thay đổi. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại cây ATM của VIB bank. Ảnh: Trần Việt

Theo ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN, ở các nước phát triển, hạ tầng thanh toán rất tốt nên người sử dụng thẻ ít khi phải rút tiền mặt tại các cây ATM. Trong khi đó ở Việt Nam, 75 - 80% các giao dịch thẻ ghi nợ nội địa chỉ là để rút tiền. Bởi thế, mục tiêu của việc thu phí là để hạn chế thanh toán dùng tiền mặt.

Đại diện Hiệp hội Thẻ cho rằng, chi phí trung bình cho mỗi lần giao dịch ATM mà ngân hàng bỏ ra là khoảng 7.000 đồng - 9.000 đồng. Tính riêng của Vietcombank, với quy định mức phí rút tiền mặt tối đa là 1.000 đồng/giao dịch kể từ ngày 1/3 tới, ngân hàng vẫn lỗ 6.000 đồng/mỗi lần giao dịch.

Hiện, đã có 34 ngân hàng xây dựng biểu phí rút tiền ATM nội mạng gửi lên NHNN. Trong đó, 2 đơn vị xây dựng mức thu từ 200 - 500 đồng/lần giao dịch nội mạng, 10 đơn vị thu 1.000 đồng/ giao dịch, 22 ngân hàng còn lại miễn phí dịch vụ này.

Ngân hàng "đơn thương độc mã"

Theo ông Tiên, để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt cần sự đồng thuận của cả xã hội và sự phối hợp của các bộ, ngành. "Nên chăng có những quy định "cứng" buộc các nhà hàng, khách sạn, siêu thị… phải lắp đặt các điểm chấp nhận thẻ (POS) thay vì việc các ngân hàng hiện phải đi mời chào chỗ này lắp POS, chỗ kia sử dụng POS"- ông Tiên đề xuất.

Cũng theo phản ánh, tại một số siêu thị, thanh toán bằng tiền mặt được chiết khấu nhưng thanh toán bằng thẻ không được chiết khấu. Vô hình chung, những quy định này lại khuyến khích thanh toán bằng tiền mặt và cản trở việc thanh toán qua tài khoản ngân hàng.

Đại diện Hiệp hội Thẻ và NHNN cũng cho rằng, không ai dám chắc chắn đảm bảo 100% dịch vụ ATM đạt chất lượng tốt bởi nó còn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của mỗi ngân hàng mà còn phụ thuộc vào những yếu tố khách quan khác: điện, nước, viễn thông….

Theo số liệu của NHNN, đến cuối năm 2012, cả nước có trên 54 triệu thẻ, số lượng máy ATM trên toàn quốc đạt khoảng 15.000 máy và 104.000 POS. Đến năm 2015, mục tiêu của NHNN là đạt 250.000 POS.

Thông tư số 35/2012/TT-NHNN quy định, từ ngày 1/3, các tổ chức phát hành thẻ được phép thu phí giao dịch ATM nội mạng. Mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2014 và lên 3.000 đồng từ năm 2015.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần