Mức phí hợp lý
Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 quy định, cho phép thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Quy định này nhằm luật hóa chủ trương thu hồi vốn đầu tư công để hoàn trả vào ngân sách.
Ngày 10/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 130/2024/NĐ-CP quy định thu phí phương tiện lưu thông trên cao tốc thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.
Theo đó, có 5 nhóm xe phải chịu phí, chia làm hai mức. Mức 1 áp dụng với cao tốc đã hoàn thành, đạt tiêu chuẩn. Mức 2 áp dụng với cao tốc chưa đạt chuẩn đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành, đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, thiết bị phục vụ việc thu phí; các công trình dịch vụ công tại trạm dừng nghỉ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ để quản lý, điều hành giao thông.
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, hiện các dự án/đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đã đưa vào sử dụng, có thể triển khai thu phí gồm: Hà Nội - Thái Nguyên; TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; Cao Bồ - Mai Sơn; Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Cam Lộ - La Sơn; La Sơn - Hòa Liên; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; Bến Lức - Trung Lương, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu.
Bộ GTVT cho biết đã phân tích chi phí vận hành, thời gian lưu thông của ô tô trên các tuyến này, kết quả cho thấy so với đi trên quốc lộ song hành, phương tiện đi cao tốc sẽ tiết kiệm 25% chi phí vận hành và 75% thời gian vận chuyển. Lợi ích bình quân là 2.616 đồng/xe cho mỗi km.
Tham khảo thông lệ quốc tế, người dân thường sẵn sàng chi trả mức phí tương đương 50-70% lợi ích thu được khi sử dụng cao tốc. Vì thế Bộ GTVT đưa ra mức phí từ 1.300 - 5.200 đồng cho mỗi km đối với từng nhóm xe, tương đương 70% lợi ích đạt được khi sử dụng cao tốc.
Nếu so sánh, mức phí cao tốc do Nhà nước đầu tư đang thấp hơn phí của DN BOT. Hiện mức phí các dự án BOT đang áp dụng từ 1.700 - 6.400 đồng/km, trong khi mức phí cao tốc do nhà nước đầu tư có chất lượng tương đồng chỉ từ 900 – 5.200 đồng.
Theo Bộ GTVT, người dân, DN sẽ mất thêm chi phí sử dụng cao tốc, tuy nhiên được thụ hưởng những giá trị, dịch vụ chất lượng, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh. Nếu không chạy cao tốc, DN/người tham gia giao thông có thể chọn di chuyển trên các quốc lộ song hành.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Trần Hồng Phong - Công ty TNHH MTV Minh Hằng (Hà Nội) cho rằng, đã đi đường đẹp thì sẽ phải trả thêm tiền. Hạ tầng nào theo thời gian cũng sẽ xuống cấp và cần có nguồn vốn duy tu, sửa chữa, xây mới. Mức thu trên thấp hơn lợi ích người sử dụng đường cao tốc thu được, nên tôi hoàn toàn ủng hộ.
Ông Nguyễn Đăng Khải - Giám đốc Công ty CP Bộ Thịnh Phát 80 (Hà Nội) cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế còn eo hẹp, thiếu kinh phí để mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, thì việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là hợp lý. DN sẽ sử dụng chi phí tiết kiệm được từ việc rút ngắn thời gian, chi phí đi lại làm nguồn kinh phí nộp phí BOT.
Cần minh bạch
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan nêu quan điểm, thu phí trên các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết bởi ngoài việc tăng nguồn thu hoàn trả ngân sách còn có tác dụng điều tiết giao thông với các tuyến đường lân cận, song hành. Nếu không thu phí, phương tiện sẽ tập trung gây ùn tắc tuyến đường, hay có thể phá vỡ phương án tài chính của các công trình khác.
Vị chuyên gia này nêu ví dụ, việc dừng thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương thời gian qua đã khiến lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến tăng đột biến, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Bên cạnh đó đã làm xuất hiện một số đoạn hư hỏng, xuống cấp. Việc này không chỉ gây áp lực cho hạ tầng mà còn làm giảm tính ưu việt của đường cao tốc.
Hơn thế nữa, mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc với tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ USD. Đây là nguồn vốn khổng lồ không chỉ đối với xây dựng mà còn phải tính đến cả việc vận hành, sửa chữa về sau. Vì vậy, đi đường cao tốc thì trả chi phí đầu tư để có tiền tái thiết hạ tầng, đầu tư hệ thống đường cao tốc sẽ ngày càng tốt hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia này, Nhà nước nên đấu giá quyền thu phí công khai. Bên cạnh đó là minh bạch việc thu phí, quy định rõ nhà cung cấp dịch vụ thu phí được hưởng bao nhiêu phần trăm trong phần thu, còn lại nộp vào ngân sách để hoàn vốn cho công trình.
Ngoài việc có ngay một nguồn thu đáng kể để tái đầu tư cho các dự án hạ tầng thiết yếu khác, đây còn là cơ hội để các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia thị trường PPP giao thông.
Nhiều DN cho rằng, thậm chí cả những tuyến cao tốc đầu tư theo hình thức BOT, khi hết hạn thu phí theo hợp đồng, Nhà nước cũng tiếp tục thu phí. Vì vậy, cần phải minh bạch thông tin hết sức cụ thể. Việc thu phí trọn đời như vậy thì hàng năm tiền thu phí được dành cho duy tu sửa chữa và bảo dưỡng cụ thể ra sao.
Bộ GTVT cho biết thời gian tới sẽ thu phí 11 dự án cao tốc đang khai thác, dự kiến thu được 3.210 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí tổ chức thu phí sẽ được nộp về ngân sách nhà nước 2.850 tỷ đồng.
Con số này rất có ý nghĩa khi tạo nguồn thu ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống cao tốc, bù đắp chi phí quản lý và bảo trì đường hàng năm hiện nay đang thiếu hụt.