Trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của Bộ GTVT giai đoạn 2016 - 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, giai đoạn 2021 - 2025, có nêu: Thủ tướng yêu cầu bộ Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất cơ chế Nhà nước thu phí đối với các tuyến đường Nhà nước đầu tư để tạo nguồn vốn tái đầu tư phát triển giao thông vận tải, báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan. Thực tế, đây là vấn đề không mới, từ năm 2020, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã phối hợp nghiên cứu soạn thảo xây dựng cơ chế, chính sách này, với mức thu dự kiến từ 1.000 - 1.500 đồng/xe/km. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu thực hiện thu phí dịch vụ đường cao tốc với mức thu là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì dự kiến hằng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng. Theo thông tin từ Bộ GTVT, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, cụ thể của từng giai đoạn, địa phương để đưa ra phương án thu khả thi. Dự kiến có 4 phương thức thu phí có thể được áp dụng: Một là Nhà nước đứng ra trực tiếp thu; hai là cho DN thuê lại kết cấu hạ tầng để tổ chức thu phí; ba là Nhà nước chuyển nhượng hạ tầng có thời hạn; Bốn là bán thương quyền thu phí cho DN. Khi được thu phí sẽ tổ chức đấu thầu đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí và toàn bộ số tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước. Trong đó, phương thức trực tiếp và phương thức bán thương quyền có tính khả thi hơn.
Với chủ trương mới này, hiện có hai luồng ý kiến. Nhóm thứ nhất không hẳn phản đối, nhưng đề nghị phải tính toán kỹ lưỡng, đầy đủ căn cứ khoa học thực tiễn trên nguyên tắc phải đảm bảo cho người dân có quyền lựa chọn, không dồn người tham gia giao thông buộc phải đi vào đường có thu phí, tránh xung đột có thể xảy ra. Đặc biệt lưu ý tới thời gian áp dụng, bởi hiện nay, người dân, DN đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, rất cần có thời gian để phục hồi.Nhóm thứ hai cho rằng, việc thu phí đối với các tuyến đường Nhà nước đầu tư là khả thi để tái đầu tư hạ tầng giao thông vốn chưa hoàn thiện tại Việt Nam. Bởi trong chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, một mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2030, trên 80% các tỉnh/TP trong cả nước đều có đường bộ cao tốc đi qua hoặc kết nối tới trung tâm hành chính và có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó ưu tiên đầu tư đưa vào khai thác thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, các tuyến đường bộ cao tốc trên các hành lang vận tải chủ yếu, các tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ kết nối với Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn, các tuyến cao tốc vành đai đô thị; hệ thống đường bộ Việt Nam đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mê Kông mở rộng và xuyên Á. Tuy nhiên, đến nay, xây dựng chưa được hơn 1.000km.Trong quãng thời gian 10 năm tới, xây dựng khoảng gần 4.000km đường cao tốc, cần một nguồn kinh phí ngân sách rất lớn. Nếu chính sách này được triển khai, ngân sách Nhà nước sẽ có thêm cả nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đây là tiền đề để tái đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho tương lai; tạo nền tảng vững chắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu phí các tuyến đường do Nhà nước đầu tư xây dựng có thể thực hiện, nhưng cũng cần cân nhắc trước những khó khăn trong giai đoạn này để đưa ra thời gian triển khai phù hợp với thực tiễn.