Thu phí cao tốc đầu tư công: Nên hay không nên?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề án thu phí với cao tốc đầu tư bằng ngân sách đã được Bộ GTVT hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít ý kiến trái chiều liên quan đến chủ trương này.

 Các đoạn tuyến đầu tư công của cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đề xuất sẽ là nơi bắt đầu áp dụng chủ trương thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách Nhà nước (Ảnh: DT).

Bắt đầu từ cao tốc Bắc – Nam phía Đông

Việt Nam đang đẩy nhanh công tác đầu tư, xây dựng đường cao tốc nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, từ đó tăng thêm năng lực vận tải đường bộ. Một trong những điểm nhấn trong chủ trương làm đường cao tốc trong thời gian qua chính là việc chuyển đổi trọng tâm từ đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP) hợp đồng BOT sang đầu tư công.

Điển hình của hình thức đầu tư này chính là “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Giai đoạn 1 (từ 2017 – 2021) của dự án này có tới 8 đoạn tuyến đầu tư công, 3 đoạn tuyến còn lại đầu tư bằng PPP nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác huy động vốn. Trong khi đó, 12 đoạn tuyến thuộc giai đoạn 2 của cao tốc Bắc – Nam phía Đông (từ 2021 – 2025) cũng đang được đề xuất sẽ đầu tư công toàn bộ.

Việc chuyển đổi hình thức đầu tư này nhằm đảm bảo cho “siêu dự án” đường cao tốc quan trọng bậc nhất quốc gia được triển khai và hoàn thành đúng kế hoạch đề ra trong bối cảnh huy động nguồn lực ngoài xã hội để làm cao tốc trong thời gian qua đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là khi những dự án cao tốc đầu tư công hoàn thành, việc thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với những tuyến đường này có được thực hiện hay không và sẽ thực hiện như thế nào? Được biết, hiện nay, Bộ GTVT đã hoàn thiện đề án thu phí với cao tốc đầu tư bằng ngân sách và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét quyết định.

Nếu đề án trên được thông qua, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án cụ thể về mức phí, cách thu phí cũng như thời điểm thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư công. Từ giờ cho tới lúc chủ trương này chính thức đi vào thực hiện sẽ còn một khoảng thời gian tương đối với khá nhiều việc phải làm nữa.

Riêng cao tốc Bắc – Nam phía Đông, từ tháng 10/2021 vừa qua, Bộ GTVT đã trình Chính phủ phương án hồi vốn đầu tư với các đoạn tuyến thuộc “siêu dự án” này và kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị đầu tiên sẽ thực hiện thu phí với 8 đoạn đầu tư công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang thi công. Sau đó sẽ tính tới việc thu phí các cao tốc đầu tư công khác. Bộ GTVT cũng đưa ra dự kiến mức phí có thể từ 1.000 đến 1.500 đồng/km/xe dưới 12 chỗ ngồi và tính toán có thể  thu về ngân sách tại 8 đoạn cao tốc trên khoảng 2.130 tỷ đồng/năm (đã trừ chi phí bảo trì, chi cho hoạt động thu phí).

 Thu phí cao tốc đầu tư công sẽ dễ gây ra tình trạng phí chồng phí (Ảnh: Lê Thanh).

Lo ngại phí chồng phí

Chủ trương thu phí đường cao tốc đầu tư công trên thực tế đã trở thành câu chuyện gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Nổi bật lên đó là lo ngại việc làm này sẽ gây ra tình trạng phí chồng phí và trái với luật hiện hành.

Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định không thu phí với các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách mà thay bằng thu phí bảo trì trên đầu phương tiện khi đăng kiểm. Đề án án thu phí với cao tốc đầu tư bằng ngân sách mà Bộ GTVT xây dựng phải được Quốc hội thông qua, sau đó phải tiến hành sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, điều đáng nói, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT lại đề nghị bổ sung quy định thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư nhưng vẫn duy trì thu phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện ô tô như hiện nay. 

Như vậy, trong trường hợp Luật Giao thông đường bộ được sửa đổi theo đề nghị của Bộ GTVT, người dân vừa mất tiền nộp phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện ô tô như hiện nay lại vừa phải nộp phí sử dụng dịch vụ đường bộ khi đi trên những tuyến cao tốc đầu tư công. Đây chính là tình trạng phí chồng phí mà nhiều chuyên gia lo ngại.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế khẳng định, cần xem xét lại phương án thu phí cao tốc đầu tư công bởi nếu chủ trương này được thực hiện sẽ gây ra tình trạng phí chồng phí.

“Việc thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư cần xem xét lại. Ngân sách Nhà nước là do người dân nộp thuế mà nên, giờ lại bắt người dân nộp phí để đi trên tuyến đường được đầu tư từ chính tiền thuế mà họ đóng góp là không hợp lý. Ngoải ra, người dân vẫn đang phải nộp phí bảo trì đường bộ, lệ phí trước bạ trên đầu phương tiện, bắt họ nộp thêm phí để đi cao tốc đầu tư công là phí chồng phí” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Theo chuyên gia kinh tế này, cả nước vừa trải qua gần 2 năm dịch bệnh Covid-19 tàn phá, không chỉ các DN mà người dân cả nước đều đang trong tình trạng kiệt quệ cả về tài chính lẫn tinh thần. Nếu trong hoàn cảnh này áp thêm một loại thuế phí nữa từ việc thu phí đường cao tốc đầu tư công lên đầu người dân là không được.

“Muốn nền tài chính quốc gia vững mạnh, nguồn thu cho ngân sách bền phải nuôi dưỡng nguồn thu, nguồn thu đó chính là từ tiền thuế mà người dân đóng góp. Phải biết “khoan thư sức dân” chứ đừng đổ hết gánh nặng lên đầu người dân vào lúc này” – PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình đường bộ cho rằng, việc thu phí đối với cao tốc đầu tư bằng ngân sách có thể thực hiệ được với điều kiện phải có tuyến quốc lộ song song miễn phí. Điều này giúp người dân có quyền lựa chọn đi theo tuyến đường phù hợp với năng lực tài chính của mình. “Khi có đường quốc lộ song hành, tôi đồng ý cần thiết phải thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư” – PGS.TS Trần Chủng nêu quan điểm.