Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu phí xe vào nội đô nhìn từ New York

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP New York muốn giảm lượng khí thải, giải quyết tắc nghẽn và tăng cường đầu tư cho phương tiện công cộng bằng cách thu phí xe vào khu vực trung tâm, thực hiện bắt đầu từ năm 2024.

Đây là bước khởi đầu cho những TP không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều nơi trên thế giới tìm giải pháp giảm ùn tắc, ô nhiễm.

Bế tắc tồi tệ nhất ở Mỹ

Mỗi ngày có 700.000 ô tô, taxi và xe tải đổ về Hạ Manhattan, một trong những khu vực nhộn nhịp nhất thế giới với một số tình trạng tắc nghẽn tồi tệ nhất ở Mỹ.

Xe ô tô di chuyển với tốc độ trung bình chỉ 11,5 km/giờ trong vùng tắc nghẽn và đang có xu hướng giảm. Tốc độ xe buýt công cộng cũng đã giảm 28% kể từ năm 2010.

Các phương tiện tham gia giao thông khi ra khỏi cầu Williamsburg ở New York. Ảnh: CNN
Các phương tiện tham gia giao thông khi ra khỏi cầu Williamsburg ở New York. Ảnh: CNN

Người dân New York trung bình mất 117 giờ mỗi năm khi tham gia giao thông, khiến họ mất gần 2.000 USD năng suất và các chi phí khác, theo một ước tính.

Việc thu phí được thiết kế để giảm số lượng phương tiện đi vào khu vực tắc nghẽn ít nhất 10% mỗi ngày và giảm 5% số dặm ô tô di chuyển trong khu vực.

Sự tắc nghẽn cũng đi kèm với các chi phí vật chất và xã hội: nhiều tai nạn, khí thải carbon và ô nhiễm xảy ra khi ô tô xả khí thải, bấm còi lấn chiếm không gian dành cho người đi bộ và ăn uống ngoài trời.

Ở New York, khoảng 75% các chuyến đi vào trung tâm TP là bằng phương tiện công cộng.

Nhưng lượng hành khách sử dụng phương tiện công cộng thấp hơn từ 25 - 30% so với mức trước đại dịch, theo Cơ quan Giao thông Đô thị New York - MTA. MTA cho biết, phí tắc nghẽn sẽ tạo ra một nguồn doanh thu quan trọng để tài trợ 15 tỷ đô la cho các khoản đầu tư trong tương lai nhằm hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng 100 năm tuổi của TP.

Những cải tiến, chẳng hạn như toa tàu điện ngầm mới và tín hiệu điện, là rất quan trọng để thu hút những hành khách mới và cải thiện tốc độ cũng như khả năng tiếp cận - đặc biệt là đối với những cư dân có thu nhập thấp, những người ít có khả năng sở hữu ô tô nhất.

Kate Slevin, Phó Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Quy hoạch khu vực, cho biết New York “phụ thuộc vào giao thông công cộng. Chúng tôi đang dựa vào khoản thu phí xe vào nội đô để trả cho các khoản đầu tư và nâng cấp cần thiết nhằm bảo đảm dịch vụ vận chuyển tốt, đáng tin cậy”.

Cải thiện giao thông công cộng cũng là chìa khóa để phục hồi kinh tế sau đại dịch của New York: nếu việc di chuyển đến nơi làm việc quá khó khăn, mọi người sẽ ít có khả năng đến văn phòng và mua sắm tại các cửa hàng xung quanh nơi làm việc của họ.

Những người ủng hộ thu phí tắc nghẽn hy vọng chương trình sẽ tạo ra nhiều không gian hơn cho các tiện ích như vỉa hè rộng hơn, làn đường dành cho xe đạp, quảng trường, ghế dài, cây xanh và phòng tắm công cộng.

Giải pháp mang tính bước ngoặt

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ cho phép TP New York tiến hành một chương trình mang tính bước ngoặt là sẽ thu phí các phương tiện đi vào Hạ Manhattan.

Phí cầu đường chính thức được gọi là Chương trình Thu phí khu trung tâm thương mại - nhưng nó thường được gọi là "phí tắc nghẽn" hay “định giá tắc nghẽn”. Mức tính phí phương tiện từ 9 - 23 USD trong giờ cao điểm và nó sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2024.

Kế hoạch này từng bị trì hoãn trong nhiều năm, nhưng nó đã hoàn thành một cột mốc quan trọng vào tháng trước khi Cục Quản lý Đường cao tốc Liên bang (Federal Highway Administration – FHWA) ký kết về việc công bố bản đánh giá môi trường.

Trong khi không có TP nào khác của Mỹ thực hiện phí tắc nghẽn, thì Stockholm, London và Singapore đã áp dụng nó trong nhiều năm. Phí hay định giá tắc nghẽn là một khái niệm liên quan đến việc sử dụng các cơ chế định giá để tính phí người sử dụng phương tiện giao thông khi có các tác động tiêu cực do nhu cầu cao vượt quá nguồn cung.

Những TP nói trên đã báo cáo những lợi ích về việc sử dụng phí tắc nghẽn như giảm ô nhiễm carbon dioxide, tốc độ lưu thông xe cộ trung bình cao hơn và giảm tắc nghẽn.

Vào năm 2023, chỉ một năm sau khi London bổ sung phí này, tắc nghẽn giao thông đã giảm 30% và tốc độ trung bình tăng theo tỷ lệ tương tự. Ở Stockholm, một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ em bị hen suyễn cấp tính đến gặp bác sĩ đã giảm khoảng 50% so với tỷ lệ trước khi chương trình được triển khai vào năm 2007.

Tuy nhiên, một số nhóm phản đối quyết liệt phí tắc nghẽn ở New York. Những người lái xe taxi, phần lớn là lực lượng lao động nhập cư và có thu nhập thấp, lo sợ điều này sẽ gây tổn hại cho những người lái xe vốn đang phải vật lộn để kiếm sống. MTA cho biết giá tắc nghẽn có thể làm giảm tới 17% nhu cầu về taxi trong khu vực.

Một số người từ các quận bên ngoài của New York và New Jersey nói rằng chương trình này gây tổn hại cho những người lái xe không có cách nào khả thi để đến trung tâm Manhattan ngoài ô tô và điều này sẽ ảnh hưởng đến những người lái xe có thu nhập thấp.

Nhưng trong số 28 triệu dân ở khu vực này, ước tính chỉ có khoảng 16.100 người có thu nhập thấp đi làm bằng ô tô ở Hạ Manhattan, theo MTA.

Taxi và xe cho thuê sẽ chỉ bị tính phí một lần một ngày. Những người lái xe kiếm được dưới 50.000 USD một năm hoặc đang tham gia một số chương trình hỗ trợ của chính phủ sẽ được giảm giá 25% sau 10 chuyến đi đầu tiên mỗi tháng. Xe tải và các phương tiện khác sẽ được giảm giá 50% trong những giờ qua đêm.

Ngoài ra, MTA cam kết 10 triệu đô la để lắp đặt các thiết bị lọc không khí ở các trường học gần đường cao tốc, 20 triệu đô la cho chương trình chống lại bệnh hen suyễn và các khoản đầu tư khác để cải thiện chất lượng không khí và môi trường ở những khu vực có nhiều phương tiện giao thông hơn.

 

Nếu thành công, chương trình thu phí vào khu vực trung tâm New York có thể là một mô hình cho các TP khác của Mỹ, những TP đang cố gắng phục hồi sau đại dịch và đối mặt với những thách thức tương tự về biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng công cộng cũ kỹ. Phí thu vào khu vực trung tâm New York dự kiến sẽ tạo ra 1 tỷ đô la cho giao thông công cộng hằng năm, số tiền rất cần thiết cho các tuyến tàu điện ngầm, xe buýt và đường sắt đi lại của TP.