Thu thuế xuất nhập khẩu: Nhập khẩu dầu thô vẫn là cứu cánh

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin tại cuộc họp báo ngày 5/12, của Tổng cục Hải quan, tính đến cuối tháng 11, tổng số thu thuế toàn ngành hải quan đạt 100,42% dự toán.

 Khai thác dầu thô tại thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: Dũng Minh
Trong bối cảnh thuế suất xuất nhập khẩu (XNK) nhiều mặt hàng giảm mạnh theo các cam kết hội nhập, việc thu ngân sách về đích được đánh giá là một nỗ lực của ngành hải quan. Tuy nhiên, số thu này vẫn dựa nhiều vào nguồn thu thiếu bền vững là nhập khẩu dầu thô.

Thu thuế xuất nhập khẩu về đích sớm

Thông tin từ Tổng cục Hải quan, đến ngày 30/11/2018, tổng số thu thuế của toàn ngành hải quan đạt đạt 284.202 tỷ đồng, bằng 100,42% dự toán, bằng 97,00 % chỉ tiêu phấn đấu, tăng 7,27% so với cùng kỳ 2017 (264.947 tỷ đồng). Số thu 11 tháng đạt tỷ lệ cao theo Cục trưởng Cục Thuế XNK - Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng là do tình hình kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt, kim ngạch XNK tăng mạnh so với dự toán và so với cùng kỳ năm 2018. Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng đầu năm đạt 439,96 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 223,76 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 216,20 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước là nguyên nhân tăng thu chủ yếu.

Đáng chú ý, mặt hàng xăng dầu nhập khẩu cũng hỗ trợ số thu XNK khá lớn. Do giá dầu thô đã tăng mạnh so với thời điểm xây dựng dự toán, cùng với nhu cầu tiêu thụ tăng cũng làm tăng lượng nhập khẩu. Do đó, 11 tháng đầu năm, số thu từ xăng dầu nhập khẩu tăng gần 20.000 tỷ đồng so với dự toán, tăng 3.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước 2017.

Ngoài ra, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách Nhà nước, chỉ tiêu thu hồi nợ cho từng Cục Hải quan tỉnh, TP và nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết nghiệp vụ trong các lĩnh vực trị giá, phân loại, xuất xứ, quản lý nợ thuế. Kết quả, thu hồi và xử lý nợ thuế đến 30/11/2018 đạt 1.425,7 tỷ đồng; các công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra sau thông quan, giá, phân loại… đạt khoảng 2.954 tỷ đồng.

Trông chờ mãi vào dầu thô?

Có thể thấy, trong năm 2018, nguồn thu từ nhập khẩu dầu thô vẫn hỗ trợ lớn cho nguồn thu thuế XNK. Tuy nhiên, theo đánh giá đây là nguồn thu không có tính bền vững. Trả lời câu hỏi về việc này, đại diện Tổng cục Hải quan thừa nhận, năm 2018, nhập khẩu xăng dầu tăng cả lượng và trị giá. Theo tính toán trước đó, đầu năm 2018, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ vận hành nên lượng nhập khẩu xăng dầu giảm. Nhưng thực tế, Nhà máy này chậm tiến độ nên lượng xăng dầu nhập khẩu vẫn cao để đáp ứng nhu cầu trong nước. Mặt khác, giá dầu thô cũng tăng mạnh so với dự toán xây dựng cuối năm 2017.

Năm 2019, dự kiến thu ngân sách vẫn còn nhiều khó khăn khi các mức thuế suất nhiều mặt hàng tiếp tục được cắt giảm theo các cam kết hội nhập, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vận hành nên nguồn thu từ nhập khẩu xăng dầu sẽ giảm. Vì thế, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, giải pháp được cơ quan này nhấn mạnh nhất là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN trong thực hiện các thủ tục hải quan. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng tích cực đẩy mạnh các giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách, tăng cường thu hồi nợ thuế... nhằm hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ đề ra.

Trong năm 2018, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, Tổng cục Hải quan đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với 39 ngân hàng trong đó có 24 ngân hàng đã thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7. Đến hết tháng 11/2018, số thu thuế của ngành Hải quan qua hệ thống ngân hàng phối hợp thu (thu thuế điện tử) đạt 269.990 tỷ đồng, đạt 95% tổng thu (284.202 tỷ đồng). Việc triển khai nộp thuế điện tử 24/7 là bổ sung thêm kênh thanh toán tạo thuận lợi cho DN khi thực hiện nộp tiền vào NSNN, đặc biệt hỗ trợ các DN mở tài khoản tại các ngân hàng nước ngoài, các DN lớn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần