Đó là thông tin Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đưa ra chiều nay 21/6, sau khi đi kiểm tra những khâu cuối cùng trước khi thí sinh chuẩn bị vào phòng thi kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Thưa Thứ trưởng, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017 được thực hiện như thế nào?
- Hôm nay, Ban chỉ đạo thi của Bộ GD&ĐT tiến hành đi kiểm tra những khâu cuối cùng trước khi thí sinh chuẩn bị vào phòng thi. Qua kiểm tra tại Yên Bái và Phú Thọ, Bộ GD&ĐT đánh giá cao công tác tổ chức kỳ thi của các địa phương - những vùng kinh tế có khó khăn nhưng đã dành những gì tốt nhất để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra thành công. Những thí sinh vùng cao, người dân tộc, gia đình nghèo đều được các địa phương có những giải pháp hỗ trợ như trọ tại nơi gần trường thi để đảm bảo không bị vướng bận giao thông, sự cố thiên tai. Sự phối hợp của các địa phương với trường đại học (ĐH) diễn ra hết sức suôn sẻ. Hiện nay, các cán bộ của các trường ĐH đã đến các điểm thi làm nhiệm vụ. Nhìn chung công tác tổ chức thi hoàn thành đúng kế hoạch dự kiến. Ngày mai thí sinh sẽ đến tham dự kỳ thi chính thức và hy vọng kỳ thi thành công tốt đẹp.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga động viên thí sinh tại điểm thi Trường THPT Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh: Internet. |
Thứ trưởng có lưu ý gì đối với công tác coi thi nhất là việc năm nay có bài thi tổ hợp?
- Bộ đã nhắc nhở các điểm thi quán triệt lại cán bộ coi thi một lần nữa về quy chế thi năm nay. Đối với các môn tự luận, các bài thi trắc nghiệm bình thường thì không có vấn đề gì vì các thầy cô đã có kinh nghiệm. Nhưng năm nay, đối với bài thi tổ hợp mới lần đầu tiên áp dụng nên Bộ quán triệt các điểm thi nhắc nhở giám thị việc tổ chức thi các môn này. Đồng thời, đối với các phòng thi có thí sinh tự do, Bộ cũng nhắc nhở các giám thị lưu ý hơn việc phát đúng mã đề thi, thu bài thi và tổ chức các phòng chờ để thí sinh tự do ổn định trước khi vào phòng thi.
Đối với thí sinh, ngày mai chính thức bước vào kỳ thi, thời gian không còn nhiều nên các em tập trung hệ thống lại kiến thức đã học vì thi trắc nghiệm hệ thống kiến thức trải rộng trong suốt chương trình lớp 12. Các em cũng không bận tâm luyện thi học thêm mà chỉ cần hệ thống lại, vào làm từ câu đầu tiên trở đi vì các câu được sắp xếp từ dễ đến khó. Đề thi năm nay có 60% kiến thức cơ bản nên các em nắm được nội dung chương trình lớp 12 thì có thể làm được phần này.
Bộ GD&ĐT có băn khoăn lo lắng trong công tác coi thi?
- Quán triệt quy chế thi vẫn là khâu Bộ quan tâm nhất. Năm nay, khâu coi thi có cán bộ trường ĐH và trường phổ thông. Giáo viên các trường phổ thông đã có nhiều kinh nghiệm trong một năm vừa qua vì có những lần tập dượt như thi học kỳ, cuối học kỳ tổ chức thi theo đề thi của Bộ, tức là có bài thi tổ hợp. Cán bộ ĐH lần đầu tiên coi thi những bộ môn này nên nếu không quán triệt kỹ quy chế kỳ thi sẽ dẫn đến sai sót. Bộ biết trước và nhắc nhở các điểm thi tổ chức tập huấn thật kỹ. Trước khi cán bộ làm nhiệm vụ, ngày hôm qua và sáng nay các điểm lại tổ chức tập huấn một lần nữa. Bộ tin rằng mọi việc không có vấn đề gì.
Năm nay, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng. Làm sao để tránh được sự nhầm lẫn, sai sót trong việc phát đề?
- Bộ đã hướng dẫn chi tiết về việc phát đề thi cho các thí sinh trong phòng. Nếu giám thị quán triệt quy chế và hướng dẫn của Bộ chắc chắn không xảy ra sai sót. Ví dụ, khi soát số báo danh trong phòng đã quy định, việc phát mã đề thi thứ nhất, ví dụ môn Vật lí phát như thế nào thì mã đề thứ hai cũng y như thế. Mã đề của từng thí sinh không sai sót được. Thứ hai, thí sinh sau khi nhận đề thi thì phải dò đề thi lần nữa nếu sai sót thì báo cáo ngay. Nhưng trước hết, giám thị phải phát chuẩn đúng mã đề thi.
Khi các sở GD&ĐT được chủ trì tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, làm sao để đảm bảo tính công khai, minh bạch?
- Bộ giao cho các địa phương chủ trì kỳ thi này, không có nghĩa tất cả chỉ có địa phương làm. Bên cạnh việc địa phương chủ trì chính, Bộ đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật để làm cho kỳ thi được nghiêm túc. Thứ nhất, thi trắc nghiệm khách quan hoàn toàn, mỗi em có mã đề thi riêng nên không thể coi bài của nhau. Thứ hai, giáo viên phổ thông không được làm giám thị tại các điểm thi có thí sinh trường mình. Thứ ba, có giáo viên ĐH cùng về trường để tổ chức thi. Thứ tư, việc chấm thi hoàn toàn bằng máy để giảm bớt được tiêu cực có thể xảy ra. Thứ năm, thí sinh giám sát kỳ thi bằng việc được phép mang các thiết bị vào phòng thi. Cuối cùng là thanh tra lưu động, không cắm chốt, không báo trước nên bất cứ điểm thi nào thanh tra cũng có thể vào. Tất cả những yếu tố ấy làm cho kỳ thi tin cậy khách quan.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!