Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam: Hà Nội có nhiều cách làm hay, sáng tạo

Trọng Tùng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), TP Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành công đáng khích lệ, góp phần thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã chia sẻ với Kinh tế & Đô thị về những gợi mở để TP tiếp tục giữ vững vị thế “lá cờ đầu” trong xây dựng NTM.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những kết quả mà Hà Nội đã đạt được sau gần 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM?
- Trong gần 10 năm qua, với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, tham gia tích cực đóng góp sức người, sức của của các tầng lớp Nhân dân, Chương trình MTQG xây dựng NTM của TP Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật, làm cho bộ mặt nông thôn ngày một khang trang, sáng – xanh - sạch - đẹp hơn; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp ngày một đồng bộ. Khoảng cách chênh lệch giữa phát triển vùng nông thôn với đô thị ngày một được thu hẹp…
Đến nay, TP đã có 325 xã (đạt tỷ lệ 84,2% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn NTM, cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,8%); bình quân đạt 18,53 tiêu chí/xã, cũng cao vượt trội so với bình quân chung cả nước (15,26 tiêu chí/xã).
 Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng. Ảnh: Trọng Tùng
 Đặc biệt, với 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ 3 cả nước về số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (chỉ sau Nam Định và Đồng Nai).
So với các tỉnh, TP khác trên cả nước, việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của Hà Nội có những điểm khác biệt gì giúp mang lại những kết quả tích cực đã được đề cập ở trên, thưa Thứ trưởng?
- Hà Nội đã có những cách làm riêng sáng tạo, đó là việc lựa chọn, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM có trọng tâm, trọng điểm theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Ở đó, việc lựa chọn dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất làm khâu đột phá để phát triển nông nghiệp được xem là hướng đi hết sức đúng đắn của Hà Nội.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tập trung ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ phát triển sản xuất như: Thủy lợi, giao thông nội đồng, hệ thống điện... Kế thừa tối đa các công trình hiện có kết hợp nâng cấp và xây dựng mới. Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng NTM.
Dành nguồn lực đáng kể từ ngân sách TP để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về cơ sở hạ tầng như: Hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế... Nhưng quan trọng hơn là Hà Nội đã làm rất tốt và có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân vào công cuộc xây dựng NTM.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Thứ trưởng, việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của Hà Nội thời gian qua còn có những bật cập, hạn chế nào cần khắc phục?
- Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và đáng khích lệ, nhưng công cuộc xây dựng NTM của TP Hà Nội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi chính quyền các cấp và người dân sớm có giải pháp khắc phục. Điển hình là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tăng trưởng nông nghiệp còn thấp. Việc thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế. Các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, ít nông sản hàng hóa có thương hiệu mạnh phục vụ mục tiêu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, kết quả xây dựng NTM giữa các huyện còn chưa đồng đều. Trong khi một số huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM thì vẫn còn không ít huyện còn nhiều xã chưa hoàn thành mục tiêu chương trình.
Thứ trưởng có thể khuyến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để Hà Nội tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo? 
- Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo, trước hết, TP Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM để nhân ra diện rộng.
Thứ hai, chủ động nghiên cứu và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM theo hướng lồng ghép các chương trình, dự án với Chương trình MTQG xây dựng NTM, nhằm thống nhất cơ chế triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực, đảm bảo không chồng chéo, lãng phí.
Thứ ba, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Thứ tư, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng ở nông thôn. Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, huyện.
Thứ năm, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao.
Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn. Tái sử dụng chất thải nông nghiệp đảm bảo đúng quy định về vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan môi trường. Tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm xanh, sạch, đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn.
Thứ bảy, tăng cường công tác giám sát trong xây dựng NTM. Trong đó, chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện Chương trình (bao gồm nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí khác).
Xin cảm ơn Thứ trưởng!