Các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng vấn đề này không chỉ giúp người dân, DN giảm thiểu chi phí tài chính mà còn bảo đảm công khai, minh bạch trong xử lý hồ sơ, thủ tục cấp phép xây dựng.
Một cửa, nhiều “ngách”
Theo Phó Tổng Giám đốc Videc Group Nguyễn Quốc Dũng, từ khi thực hiện cơ chế xử lý thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông đã tạo ra bước chuyến biến căn bản trong việc giải quyết thủ tục hành chính giữa cơ quan Nhà nước với các tổ chức, cá nhân, DN. Tuy nhiên, nói là một cửa liên thông nhưng vẫn còn rất nhiều "ngách" khiến công tác phối hợp, xử lý giữa DN và cơ quan quản lý xảy ra những bất cập, khó khăn.
“Luật ban hành thì đầy đủ, chi tiết, nhưng trong quá trình thực hiện, tại một số bộ, ngành hay tại các sở của một tỉnh, TP có sự chồng chéo. Cụ thể, Sở TN&MT và Sở XD có nhiều thủ tục không thống nhất với nhau trong quá trình DN xin cấp phép dự án” – ông Dũng cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ bất động sản (BĐS) Hà Nội Nguyễn Thế Điệp chia sẻ, ai cũng mong muốn rằng cơ chế chính sách sẽ phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế. Nhưng thực tế cơ chế chính sách của Nhà nước luôn có độ trễ so với sự phát triển của thị trường, điều này có thể thông cảm được.
Song, cần phải cố gắng để xử lý các thủ tục hành chính một cách nhanh nhất. Không phải như thực tế hiện nay cơ chế một cửa nhưng trong đó lại rất nhiều quy trình. “Một dự án khi đi vào triển khai đều phải trải qua các quy trình hết sức rườm rà, phải qua sự xác nhận từ vài chục con dấu của cơ quan chức năng. Nộp hồ sơ vào một cửa, nhưng lại liên thông với 4 cửa lớn khác, là: QHKT; KH&ĐT, TN&MT và XD. Ở đây, rõ ràng thiếu một đầu mối quản lý thống nhất” - ông Nguyễn Thế Điệp phân tích.
Tiết kiệm thời gian, chi phí
Thứ trưởng Bộ XD Nguyễn Văn Sinh cho biết, nhằm tạo điều kiện cho người dân và DN trong quá trình cấp phép xây dựng, Bộ đã phối hợp với các cơ quan, địa phương trong việc lấy ý kiến sửa đổi Luật Xây dựng đã được Quốc hội thông qua tháng 6 vừa qua. Qua đó có một số quy định mới để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện hơn so với trước đây như: Tích hợp thẩm định “thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở” với thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xây dựng (GPXD); mở rộng các trường hợp không phải cấp GPXD; tăng cường phân cấp trong thực hiện thủ tục cấp GPXD...
“Mới nhất, Bộ cũng đã ban hành văn bản số 4348/BXD-HĐXD gửi Sở XD các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về việc góp ý quy trình thực hiện thủ tục hành chính về cấp GPXD theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhằm mục đích tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch, đơn giản thủ tục giấy tờ cho người dân và DN” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay.
Theo đó, thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, người dân có thể ngồi nhà để thực hiện các thủ tục xin cấp phép XD chỉ bằng click chuột. Bộ phận một cửa thuộc sở XD các tỉnh/TP, từ khi cấp biên nhận hồ sơ trực tuyến, thời hạn không quá một ngày, phải chuyển đến bộ phận chuyên môn cấp GPXD để giải quyết theo quy định.
Trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ trực tuyến, bộ phận chuyên môn cấp GPXD phải thực hiện phân công, kiểm tra thực địa và tổ chức thẩm định để giải quyết hồ sơ. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến trực tuyến, các cơ quan, đơn vị được hỏi có trách nhiệm trả lời bằng văn bản điện tử (chữ ký số được ghi nhận trong hệ thống) về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình.
Nếu quá hạn thời gian phải có thông báo bằng văn bản điện tử cho chủ đầu tư biết lý do và thời gian kéo dài thêm không được quá 5 ngày, kể từ ngày hết hạn theo quy định. Khi hồ sơ đủ điều kiện để trình lãnh đạo đơn vị ký, đóng dấu, chuyển bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, thực hiện phát hành trong thời hạn không quá 3 ngày.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở XD Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến thời điểm hiện tại Sở XD Hà Nội đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và đang triển khai mức độ 4. Kế hoạch từ nay đến cuối năm 2020, 100% thủ tục hành chính của Sở sẽ được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
“Nâng cấp triển khai giải quyết thủ tục hồ sơ cấp phép trực tuyến lên mức độ 4, giúp bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ, thủ tục. Việc tăng số đầu việc dịch vụ công mức 3, 4 tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân trong quá trình giao dịch, không phải đến cơ quan quản lý làm thủ tục” – ông Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận.
"Các hoạt động đầu tư XD chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết, thông tư hướng dẫn. Ngoài ra, còn có hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư XD và kết thúc đầu tư XD đưa dự án vào vận hành khai thác, khiến cho áp lực về quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với mỗi dự án là rất lớn." - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam |