Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, kỹ năng nghề là vấn đề lớn của toàn cầu, đặc biệc là nước đang phát triển có năng suất lao động (NSLĐ) thấp như Việt Nam. Vấn đề nút thắt ở đây là chất lượng nguồn nhân lực.
“Nguồn lực phát triển của Việt Nam hiện nay không phải là rừng vàng, biển bạc mà chính là gần 100 triệu người; là kỹ năng lao động, kỹ năng quản trị quốc gia, quản trị trong từng lĩnh vực” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan các mô hình đào tạo nghề được trưng bày tại diễn đàn. |
Kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, khi các điều kiện khác không thay đổi thì nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy NSLĐ vượt trội, tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, tăng quy mô và nâng cao chất lượng GDNN là nhân tố quyết định. Trong đó có sự đồng hành và tham gia của DN trong đào tạo nghề là thành tố đột phá.
Những năm qua, GDNN có nhiều bước tiến và bước đầu đáng ghi nhận. Bộ LĐTB&XH đã xác định được 130 nghề trọng tâm, 40 trường nghề chất lượng cao, nhiều trường có chất lượng tốt. Đặc biệt, 3 năm gần đây, tuyển sinh các trường nghề vượt chỉ tiêu. Tỷ lệ người học nghề ra trường có việc làm đạt trên 85%, nhiều nghề lên tới 100%.
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ còn thấp, chỉ hơn 22%, chỉ bằng 1/3 của Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Chất lượng đào tạo có sự chuyển biến nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trường nghề đông nhưng số đạt chuẩn quốc tế còn thấp nên mất dần thế cạnh tranh. Học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp còn yếu về năng lực, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động.
“Mạng lưới GDNN như chiếc áo ngũ sắc, không ít miếng vá víu..., cho thấy tính đồng bộ của các trường nghề chưa được quan tâm. Chưa có sự tổng hợp, phân tích, đánh giá lực lượng lao động có kỹ năng đi làm việc ở nước ngoài quay về nước được phát huy như thế nào” – Thủ tướng đặt vấn đề.
Vì vậy, theo Thủ tướng, để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia rất cần đổi mới GDNN. Trong quá trình này không tách dời sự gắn kết giữa GDNN với DN và thị trường lao động.
Có 3 nguyên tắc được Thủ tướng yêu cầu phải được thực hiện. Nguyên tắc cơ bản đầu tiên là bám sát hơn nữa nhu cầu thực tiễn của thị trường, đảm bảo hài hòa về lao động có kỹ năng nghề. Nguyên tắc sống còn thứ hai là phát triển đào tạo nghề với chuẩn mực quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao của DN trong và ngoài nước. Nguyên tắc thứ ba là nâng cao tính dự báo, hiểu và nắm bắt nhanh nhạy nhu cầu nhân lực, kỹ năng cao của DN và nền kinh tế để hợp tác DN – Nhà trường.
Mặc dầu Robot đang vào rất lớn nhưng nếu người lao động có kỹ năng thì không bao giờ thừa. Cho nên Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH suy nghĩ thiết kế đề xuất một hiệp ước xã hội (cơ chế hợp tác giữa nhà trường - DN và Chính phủ) trên các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm để gắn kết nội dung và đào tạo chất lượng nhân lực, kỹ năng cao của nhu cầu thị trường và nền kinh tế.
Các tỉnh, thành cần có chính sách ưu tiên cho các dự án có sự phối hợp giữa cơ sở GDNN của địa phương và DN.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐTB&XH và các bộ đề xuất những mô hình mới về đào tạo nghề, thí điểm học sinh học hết THCS vào học cao đẳng nghề; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình chuyển giao từ nước ngoài; đẩy nhanh việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở GDNN theo luật định.
Các Bộ, ngành xây dựng dữ liệu mở GDNN quốc gia để có dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, việc làm, đào tạo theo lĩnh vực ngành nghề, cấp trình độ đào tạo. Từ đó phát triển ứng dụng, kết nối nhu cầu lao động làm cơ sở cho định hướng, phát triển GDNN.
Và không thể thiếu trong yếu tố hình thành và thành công kỹ năng nghề để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam chính là nhận thức của xã hội, gia đình, học sinh, DN và tổ chức chính trị xã hội về vị trí, vai trò, nhân lực có kỹ năng nghề để phát triển kinh tế.
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, “Một nghề cho chín, còn hơn chín nghề” hay “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”. Thủ tướng nhắc lại những câu tục ngữ này để nhấn mạnh đến sự nghiệp GDNN có ảnh hưởng đến thành bại của công cuộc phát triển của một quốc gia trong quá trình chuyển đổi. Vì thế, những giải pháp đã được đưa ra tại diễn đàn này được thể hiện bằng sản phẩm là chỉ thị của Thủ tướng về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nâng cao NSLĐ của Việt Nam.